Nhằm lên án, phản đối việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã triển khai áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga với quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có.
Nga hiện là quốc gia bị nhận lệnh trừng phạt
nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của hệ thống dữ liệu lệnh trừng phạt toàn cầu
Castellum.ai, tính đến ngày 08/4/2022, Nga đã nhận thêm 5.515 lệnh trừng phạt kể
từ ngày 22/3/2022, nâng tổng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này lên tới 8.269
lệnh. Trong đó, quốc gia áp nhiều lệnh trừng phạt nhất tới Nga trong thời gian
qua là Anh (890), Thụy Sĩ (868), Hoa Kỳ (838) và Liên minh châu Âu (705). Các lệnh
trừng phạt Nga diễn ra ở quy mô lớn và toàn diện từ tài chính, đầu tư thương mại,
thể thao, ngoại giao cho đến việc công khai gửi viện trợ thiết bị quân sự cho
Ukraine.
Đáng chú ý, các biện pháp tài chính nghiêm khắc
bao gồm: (i) Xóa sổ hầu hết các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế
(SWIFT); (ii) Đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga; (iii) Đóng băng
tài sản của các nhà lãnh đạo Nga và các nhà tài phiệt Nga sống ở nước ngoài;
(iv) Các tập đoàn đa quốc gia đóng cửa hoạt động và nhanh chóng thanh lý khoản
đầu tư của họ ở Nga; (v) Các lệnh hạn chế xuất khẩu và các lệnh cấm tài trợ
thương mại. Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu, Mỹ cũng thông báo cấm các máy
bay Nga vào không phận nước này. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khuyến cáo, các
cơ quan, liên đoàn thể thao trên thế giới loại bỏ các vận động viên của Nga khỏi
các sự kiện quốc tế. FIFA và UEFA quyết định gạch tên các đội tuyển Nga khỏi mọi
giải thi đấu quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và chưa từng
có đã khiến kinh tế Nga chịu nhiều tổn thất nặng nề với việc thị trường chứng
khoán và giá trị đồng Rúp giảm mạnh. Các doanh nghiệp, tổ chức tài chính của
Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán. Người dân đang phải đối diện với tình
trạng thiếu tiền mặt và lạm phát tăng cao, đặc biệt là đối với một số mặt hàng
như thực phẩm, đồ điện tử và thiết bị gia dụng. Hàng chục nghìn du khách Nga bị
mắc kẹt tại nước ngoài do các biện pháp đóng cửa hàng không. Bên cạnh đó, Mỹ và
phương Tây cũng như kinh tế thế giới cũng đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ
chính các lệnh trừng phạt này. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp
tục bấp bênh, nhất là với tình hình dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraina hiện
nay. Sự chia rẽ trong quan hệ quốc tế giữa một bên là Mỹ và phương Tây với Nga
- Trung Quốc được cho là đang ngày càng rõ nét. Bên cạnh đó, sự chia rẽ trong
chính nội bộ châu Âu đối với việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga do lo ngại
có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của từng quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt
nghiêm trọng chưa từng có của phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn cho thấy nhiều
tín hiệu lạc quan. Giá trị đồng Rúp đã tăng vọt và hiện đã phục hồi gần đến mức
trước xung đột. Chỉ số chuẩn của chứng khoán Nga đã giảm 1/3, nhưng sau đó đã
tăng trở lại. Chính phủ và hầu hết doanh nghiệp đang thực hiện thanh toán bằng
trái phiếu ngoại tệ. Người dân đã bắt đầu gửi tiền trở lại.
Sự ổn định này đến từ hàng loạt chính sách ổn
định thị trường của Nga. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất từ 9,5% lên
20% và khuyến khích người dân gửi tiền vào tài khoản. Các nhà xuất khẩu phải
chuyển đổi 80% số tiền thu được từ ngoại hối thành đồng Ruble. Chính phủ Nga
cũng áp đặt các lệnh cấm bán khống, đồng thời cấm những người không cư trú bán
cổ phiếu, ít nhất là đến ngày 01/4/2022. Chỉ số giá tiêu dùng hàng tuần tại Nga
đã tăng hơn 5% chỉ tính riêng từ đầu tháng Ba. Bất chấp các lệnh trừng phạt
chưa từng có, Nga vẫn bán tới 10 tỷ USD tiền dầu khí mỗi tháng cho các khách
hàng nước ngoài, tương đương với 1/4 xuất khẩu dầu mỏ trước xung đột Nga -
Ukraine nổ ra. Doanh thu này từ ngành năng lượng vẫn không ngừng tiếp sức cho nền
kinh tế xứ bạch dương. Đây là nguồn ngoại tệ có giá trị, giúp Nga mua một số
hàng hóa từ các nước trung lập hoặc thân thiện. Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu
cho rằng kinh tế Nga vẫn sẽ đối mặt với suy thoái. Tuy nhiên, mức độ sẽ phụ thuộc
vào ba yếu tố chính: Thứ nhất, tâm lý tiêu dùng của người dân; Thứ hai, mức độ
thích ứng của doanh nghiệp trong nước đối với tình trạng cô lập kinh tế; Thứ
ba, triển vọng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga./.
(Nguồn:
Ban Tuyên giáo Trung ương)