Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định (20/4/1947 - 20/4/2022)
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 75 năm Ngày
truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định
(20/4/1947 - 20/4/2022)
I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ
TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931,
mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Sợi Nam Định (25/3/1930), nông
dân huyện Giao Thuỷ (7/1931); để bảo vệ và hỗ trợ đấu tranh chính trị, các ban
Tự vệ, đội Xích vệ (Tự vệ Đỏ) đã được thành lập, bao gồm những thanh niên khoẻ
mạnh, hăng hái, giác ngộ do các đoàn thể lựa chọn. Đây là tiền đề, nền móng cho
sự ra đời LLVT tỉnh sau này.
Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp,
chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng về xây dựng lực lượng, chuẩn bị tổng khởi
nghĩa giành chính quyền, tháng 5/1945 Tỉnh uỷ Nam Định quyết định lựa chọn một
số đơn vị Tự vệ Đỏ lập ra đội võ trang tuyên truyền đầu tiên do đồng chí Phạm
Ngọc Hồ phụ trách. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng các
cấp được thành lập, nhưng phải đương đầu với thù trong giặc ngoài. Cuối tháng
10/1946, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tỉnh Nam Định được thành lập ở nhiều
huyện, xã, đã thu hút hàng nghìn hội viên thuộc các đoàn thể tham gia. Sau ngày
Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chi đội 19 được biên chế vào Trung đoàn 34
Vệ quốc quân do Khu II chỉ huy, chiến đấu tại Mặt trận Nam Định. Thực hiện
đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là
chính”, tháng 4/1947 Chính phủ kháng chiến đã quyết định thành lập các Ban
chỉ huy Dân quân ở các tỉnh, huyện và xã.
Ngày 20/4/1947 Tỉnh đội dân quân Nam
Định thành lập (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định) trực thuộc Uỷ ban
kháng chiến tỉnh Nam Định, Tỉnh đội trưởng đầu tiên là đồng chí Lê Quang Vỹ,
đồng chí Lê Quang Tuấn làm Chính trị viên, biên chế tổ chức ngang cấp tiểu
đoàn, có các ban tham mưu, chính trị, cung cấp (hậu cần), 03 đại đội và đội
tuyên truyền.
Tháng 5/1965 tỉnh Nam Định và Hà Nam
sát nhập thành tỉnh Nam Hà, hợp nhất 02 cơ quan quân sự tỉnh, tổ chức biên chế
ngang cấp Trung đoàn. Từ cuối năm 1971 Tỉnh đội trở thành Bộ CHQS tỉnh. Tháng
01/1976 tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình sát nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh, cơ quan
quân sự hợp nhất thành Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh. Trong giai đoạn này LLVT tỉnh
được xây dựng đồng bộ, bao gồm lực lượng thường trực, dân quân tự vệ (DQTV) và dự
bị động viên (DBĐV).
Tháng 3/1992 tỉnh Nam Hà và Ninh
Bình tái lập, cơ quan quân sự được chia tách thành Bộ CHQS tỉnh Nam Hà và Bộ
CHQS tỉnh Ninh Bình. Tháng 01/1997 tỉnh Nam Hà được chia tách thành 02 tỉnh Nam
Định và Hà Nam, Bộ CHQS tỉnh được chia tách thành Bộ CHQS tỉnh Nam Định và Bộ
CHQS tỉnh Hà Nam.
II. 75 NĂM VẺ VANG VÀ NHỮNG MỐC SON
CỦA LLVT TỈNH
1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ
kính yêu, quân và dân Nam Định cùng cả nước đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến
“Toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc”
Thực hiện lời kêu
gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 24 giờ 00 ngày 19/12/1946,
cả thành phố Nam Định rền vang tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược. Trải qua 86 ngày đêm, LLVT cùng nhân dân thành phố đã hoàn
thành nhiệm vụ kìm chân địch, đập tan ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân
Pháp, tiêu diệt hơn 400 tên địch, bắt 06 tên, bắn chìm 01 ca nô, thu nhiều vũ
khí, trang bị.
Trong khí thế sục sôi kháng chiến,
khắp nơi trong tỉnh dấy lên phong trào xung phong, tình nguyện đầu quân, đã tổ
chức các đoàn quân “Tây Tiến”, “Nam Tiến” chi viện cho các chiến
trường khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, thành lập các đội quyết tử quân, du
kích, bạch đầu quân, hội mẹ chiến sỹ… Những nhà tu hành cũng xung phong ra trận,
ngày 27/02/1947 Hội Phật giáo cứu quốc Nam Định cùng đại diện chính quyền tỉnh
long trọng làm lễ “Cởi áo cà sa” tiễn
24 nhà sư, có 2 vị sư nữ từ trụ sở Hội ở chùa Cổ Lễ lên đường tòng quân cứu
nước.
Thực hiện âm mưu mở
rộng chiếm đóng theo chiến thuật vết dầu loang, địch đã mở nhiều cuộc càn quét
xung quanh thành phố Nam Định, phá cơ sở, gây tâm lý cầu an; dụ dỗ, thúc ép dân
hồi cư và đẩy lực lượng ta ra ngoài; tổ chức một số trận đánh ra vùng tự do để
khủng bố tinh thần nhân dân, cướp lương thực, thực phẩm và để vây quét lực
lượng của ta, nhưng đều bị đánh trả đích đáng như các trận chợ Dần, Núi Ngăm,
Đại Đê (Vụ Bản), trận Lê Xá, Quang Sán (Mỹ Lộc)…Vừa cơ động chiến đấu, các đơn
vị bộ đội vừa đưa một bộ phận lực lượng về các địa phương hỗ trợ, phát triển
chiến tranh du kích. Năm 1947, bộ đội chủ lực đánh 75 trận, bộ đội địa phương
đánh 24 trận, dân quân, du kích đánh 40 trận.
Nhân dân các vùng
bị địch uy hiếp tổ chức triệt phá cầu, đường, đắp ụ ngăn cơ giới; thực hiện
khẩu hiệu “Vườn không, nhà trống” kết
hợp rào làng kháng chiến chống địch càn quét được tiến hành ở nhiều địa phương.
Đến năm 1949, toàn tỉnh đã xây dựng được 90 làng chiến đấu với hơn 45.000 du
kích; phong trào tòng quân giết giặc cứu nước sôi nổi khắp các địa phương, có
gần 9.000 người ghi tên tòng quân.
Sau chiến thắng
Điện Biên Phủ, đêm ngày 25/5/1954 bộ đội chủ lực đã phối hợp với bộ đội địa
phương xóa sổ hoàn toàn quân địch tại Thức Hoá (Giao Thuỷ) bắt 650 tên, thu
toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Ngày 04/6/1954, quân ta tiếp tục tiến
công Đông Biên (Hải Hậu), sau 12 giờ chiến đấu, ta đã giành thắng lợi, tiêu
diệt, bắt sống hơn 500 tên địch. Trong vòng nửa đầu năm 1954, bộ đội địa phương
và dân quân, du kích Nam Định đã đánh trên 1.600 trận, diệt và làm bị thương
trên 3.000 tên, thu hàng trăm súng các loại, phá huỷ gần 100 xe cơ giới. Ngày 01/7/1954 thành phố Nam Định được giải phóng.
Trong kháng chiến chống Pháp, LLVT tỉnh đã phối hợp với bộ
đội chủ lực, kiên cường chiến đấu, quân và
dân Nam Định đã đánh 16.049 trận lớn nhỏ, diệt 29.872 tên địch, phá hủy 284 xe
cơ giới, 807 súng các loại, bắn rơi 02 máy bay, 05 tàu, xuồng, ca nô, thu 6.204
khẩu, 81 máy ra-đi-ô và hàng trăm tấn quân trang, quân dụng, phương tiện chiến
tranh của địch. Với những thành tích đó quân và dân tỉnh Nam Định được Đảng,
Chính phủ tặng 10 Huân chương Quân công và 137 Huân chương các loại; có 123 tập
thể, 14 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
2. Quân dân Nam Định bước vào giai
đoạn xây dựng quê hương, đất nước đi lên CNXH và tiếp tục đấu tranh chống Mỹ
cứu nước
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi,
miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời bị chia cắt, tiếp tục
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cùng đồng bào, chiến sỹ
cả nước, LLVT tỉnh luôn kiên định mục tiêu cách mạng, không ngừng nâng cao cảnh
giác, cơ quan quân sự các cấp thường xuyên được kiện toàn, xây dựng chính quy, lực
lượng DQTV từng bước được phát triển đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng
quê hương, đất nước.
Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân
vào tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam, mở rộng chiến tranh bằng không
quân, hải quân ra miền Bắc. Toàn tỉnh chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời
chiến, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ vững sản xuất, củng cố kinh tế
- xã hội, nhanh chóng khôi phục và mở rộng LLVT làm nhiệm vụ chiến đấu và phục
vụ chiến đấu, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho
tiền tuyến. Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ, Tiểu đoàn 66 pháo binh, các đơn vị bộ
binh, công binh, thông tin, trinh sát của tỉnh đã được thành lập, chốt trụ trên
các trọng điểm, làm tốt nhiệm vụ phòng thủ địa phương, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ
với các đơn vị chủ lực của Bộ lập công xuất sắc bắn rơi 11 máy bay Mỹ, bắn cháy
02 tàu chiến. Các đơn vị bắn rơi nhiều máy bay Mỹ như LLVT thành phố Nam Định,
huyện Hải Hậu. Trận địa phòng không của dân quân của các xã Giao Long, Giao
Hải, Giao Lâm (Giao Thuỷ), Liên Bảo (Vụ Bản) bắn rơi ngay tại chỗ nhiều máy bay
Mỹ.
Trải qua 21 năm vừa sản xuất, vừa
chiến đấu, quân, dân Nam Định đã lập công xuất sắc, LLVT tỉnh độc lập bắn rơi
28 chiếc (trong tổng số 110 máy bay), bắt sống 2 giặc lái, bắn cháy 3 tàu
chiến, tự phá 80% bom, đạn, thủy lôi các loại, bảo đảm vận chuyển hơn 01 triệu
tấn hàng hóa, vũ khí trang bị từ hậu phương vào tiền tuyến; 164.406 thanh niên
lên đường nhập ngũ, 23.482 Liệt sĩ, 10.460 Thương binh, 43 tập thể và 51 cá
nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân”. Với chiến công và thành tích đó, quân, dân
tỉnh Nam Định đã góp phần bảo vệ miền Bắc XHCN, cùng quân dân cả nước đánh
thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
3. Quân dân Nam Định cùng cả nước đi
lên CNXH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975,
LLVT tỉnh vừa củng cố xây dựng lực lượng, vừa tham gia lao động sản xuất khắc
phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp hàng vạn ngày
công quai đê, lấn biển, xây dựng các công trình văn hoá; tiếp tục chi viện sức
người, sức của cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc
tế; tổ chức các đơn vị tăng cường lên biên giới phía Bắc tham gia chiến đấu và
xây dựng tuyến phòng thủ quốc gia, toàn tỉnh có 10.000 người tham gia tại Hoàng
Liên Sơn và 2.000 người tại Quảng Ninh.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, LLVT
tỉnh tích cực làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ QP, QSĐP; xây dựng nền
QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững
chắc.
Ghi nhận thành tích, chiến công của
quân và dân tỉnh Nam Định trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc; năm 1978 Đảng,
Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” cho Nhân dân
và LLVT tỉnh Nam Định; 05 tập thể và 02 cá nhân được tuyên dương Anh hùng trong
thời kỳ đổi mới.
Những
năm gần đây, LLVT tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất khắc phục khó khăn hoàn tốt
nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc như: Công tác giáo dục bồi
dưỡng kiến thức quốc phòng cho các đối tượng; công tác tuyển quân, tuyển sinh
quân sự, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu
nạn, phòng chống dịch bệnh; trong đó điển hình là các cuộc diễn tập khu vực
phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố; diễn tập bảo đảm tác chiến phòng thủ của các
sở, ngành; diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó siêu bão và kiếm cứu nạn, diễn tập
phòng, chống dịch Covid-19 và các cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường,
thị trấn. Tham gia các cuộc Hội thi, Hội thao do Quân khu và Bộ Quốc phòng tổ
chức nhiều nội dung đạt thành tích cao. Chủ động
triển khai quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các biện pháp
phòng, chống dịch Covid-19. Tham mưu thực
hiện tốt chính sách đối với người có công và chính sách hậu phương Quân đội,
tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện
nhiệm vụ QP, QSĐP. Góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong khu vực
phòng thủ, xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất
lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT, bảo đảm cho LLVT tỉnh
luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Với thành tích đạt được năm 2016, Bộ
CHQS tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (lần thứ 2); năm 2020, 2021 được Bộ Quốc
phòng và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.
III. GIỮ VỮNG VÀ PHÁT HUY TRUYỀN
THỐNG VẺ VANG TRONG THỜI KỲ MỚI
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu
và trưởng thành, Lực lượng vũ trang tỉnh luôn kế thừa, phát huy truyền thống
cách mạng của quê hương, dân tộc, bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của
Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Những chiến công, thành tích của LLVT tỉnh
đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương. Có được những
thành tích trên, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng,
Bác Hồ kính yêu, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy - Bộ Tư
lệnh Quân khu 3, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệp
đồng có hiệu quả của các đơn vị bạn, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, sự
thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, cùng với sự đoàn kết, chung sức,
đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng sáng tạo, phấn đấu vươn lên cống
hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh.
Trong suốt chiều dài lịch sử, ở giai
đoạn cách mạng nào LLVT tỉnh cũng thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tận
trung với Đảng, tận hiếu với dân, vừa làm tốt chức năng tham mưu, vừa chủ động,
sáng tạo tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; phối hợp, hiệp
đồng chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tạo nên sức mạnh tổng hợp để
tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc
phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ
ngày càng vững chắc.
Giữ vững, phát huy thành quả của các
thế hệ cha anh đi trước và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong
tình hình mới, LLVT tỉnh Nam Định nguyện không ngừng phấn đấu vươn lên, viết
tiếp những trang mới trong lịch sử truyền thống của mình, góp phần tô thắm
truyền thống cách mạng của quê hương Nam Định văn hiến, truyền thống vẻ vang
của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc
Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống
LLVT tỉnh, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc,
quân đội, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của quân
và dân tỉnh Nam Định. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao
lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường
vượt qua mọi khó khăn thử thách; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời
kỳ mới, mọi cán bộ, chiến sĩ nguyện chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng
LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo,
quyết thắng”./.
BỘ
CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH