image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Những đóng góp CỦA ĐỒNG CHÍ ĐẶNG VIỆT CHÂU VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở NAM ĐỊNH VÀ CẢ NƯỚC

Trong số các nhà hoạt động cách mạng tiền bối trước khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của tỉnh Nam Định, đồng chí Đặng Việt Châu là người đã dũng cảm vượt qua ý thức hệ của thành phần giai cấp xuất thân và những nhận thức tư tưởng cũ để đến với cách mạng.

Đồng chí Đặng Việt Châu sinh ngày 02-7-1914, trong một gia đình nhà nho nghèo, tại làng Bách Tính xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, tên khai sinh là Đặng Hữu Rạng. Thân sinh của đồng chí là Tú tài Đặng Hữu Mai, dạy học ở làng Mụa, huyện Phụ Dực (tức thôn Vũ Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình ngày nay) và bà Vũ Thị Miện, làm ruộng tại quê.

Khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Đặng Việt Châu đã sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, cách mạng, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của dân tộc, như đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, đòi để tang nhà chí sỹ Phan Châu Trinh. Thời gian đầu, vì khâm phục tinh thần hy sinh bất khuất của một số nhà yêu nước, đồng chí Đặng Việt Châu tham gia hoạt động của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng. Nhưng sau đó, qua thực tế phong trào đấu tranh của nhân dân, được chứng kiến không khí sục sôi đó và tiếp xúc với các nhà hoạt động cách mạng mác-xít, anh dần giác ngộ, chuyển sang tán thành chủ nghĩa Cộng sản; tham gia hoạt động trong Hội học sinh đỏ ở trường Thành Chung. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh cụ thể như rải truyền đơn, đốt pháo ủng hộ Cách mạng tháng Mười, vạch mặt bọn thống trị...rồi bị đuổi học và từ đó bước chân vào con đường hoạt động cách mạng.

Qua một thời gian, đồng chí được bố trí đi thoát ly, “vô sản hoá” ở Hải Phòng và được kết nạp vào Đảng. Ở đây, đồng chí luôn để tâm tìm hiểu về phong trào công nhân nhà máy, dùng kiến thức của mình viết báo vạch rõ thủ đoạn của bọn chủ gian ác, chỉ ra những hành động xâm lược, bóc lột của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai; tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục tinh thần yêu nước trong công nhân, vận động họ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi cho những người lao động. Trong thời gian công tác anh đã học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tế. Với khả năng và trí tuệ của mình, đồng chí Đặng Việt Châu đã được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ làm công tác biên tập báo Tiến lên - Cơ quan ngôn luận của Đảng và anh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp tuyên truyền của Đảng ta trong những năm tháng hết sức khó khăn đó.

Đầu năm 1932, đồng chí Đặng Việt Châu bị bắt, bị tra tấn dã man, rồi bị kết án tù khổ sai và bị đưa đi giam giữ ở nhiều nơi như nhà lao Hải Phòng, Hỏa Lò (Hà Nội), nhà tù Sơn La. Ở đâu  đồng chí cũng luôn thể hiện rõ bản lĩnh kiên cường của người Cộng sản và tổ chức cho anh em trong tù học tập, đấu tranh giành quyền lợi, được tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ. Mặc dù trong điều kiện nhà tù đế quốc vô cùng khắc nghiệt, bị khủng bố, đàn áp, bị tách rời khỏi cuộc sống xã hội, nhưng đồng chí Đặng Việt Châu vẫn kiên trì phấn đấu học tập lý luận, nâng cao trình độ văn hóa, phương pháp cách mạng và lãnh đạo đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cách mạng, ra sức tích lũy kinh nghiệm để ra tù tiếp tục hoạt động.

Năm 1936, Chính phủ Bình dân Pháp lên cầm quyền, thi hành một số chính sách dân chủ với các thuộc địa, trong đó có ân xá tù chính trị phạm, đồng chí Đặng Việt Châu được tha, nhưng phải chịu sự quản thúc tại địa phương. Sau một thời gian thoái trào, tình hình hoạt động cách mạng trên cả nước nói chung và Nam Định nói riêng hết sức khó khăn, nhiều cơ sở bị tan vỡ, không có cơ quan lãnh đạo. Mặc dù bị theo dõi, quản thúc, đồng chí Đặng Việt Châu đã không quản ngại nguy hiểm, bí mật liên hệ với các đảng viên vừa được tha trong tù về để bàn cách phục dựng phong trào. Đồng chí Đặng Việt Châu là người đã lăn lộn trong môi trường công nhân nhà máy Dệt, môi trường học sinh trường Thành Chung để gây dựng lại phong trào cách mạng tỉnh Nam Định. Đồng chí cũng là người lặn lội chắp mối liên lạc giữa địa phương với Trung ương, tìm cách gây dựng tổ chức, lãnh đạo hoạt động đấu tranh dân chủ, thành lập cơ quan đại lý sách báo cánh tả và tiến tới thành lập Tỉnh ủy ở các tỉnh và Liên Tỉnh ủy (khu C).

Khi Tỉnh ủy chính thức được thành lập, đồng chí đảm nhiệm vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và phụ trách Liên Tỉnh ủy. Trong quá trình hoạt động, đồng chí Đặng Việt Châu đã khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo nhân dân địa phương hòa chung với cả nước, đấu tranh dưới các hình thức dân chủ, hợp pháp, đưa phong trào cách mạng phát triển đi lên. Các hoạt động phong trào cách mạng sôi nổi và hiệu quả của Nam Định đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về nắm tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo. Sau đó, đồng chí Đặng Việt Châu được bầu vào Xứ ủy và được phân công phụ trách các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, thực dân Pháp ra sức khủng bố trở lại, năm 1939 đồng chí Đặng Việt Châu bị bắt, bị đầy đi căng Bắc Mê. Lại một lần nữa đồng chí phải tiếp tục những năm tháng đấu tranh hết sức khó khăn vất vả trong lao tù để bảo vệ Đảng, bảo vệ tổ chức. Đến năm 1942 đồng chí Đặng Việt Châu mới được ra tù và lại tiếp tục bí mật hoạt động.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đồng chí Đặng Việt Châu làm việc trong cơ quan Chính phủ, tham gia công tác trong bộ máy chính quyền địa phương, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 5-1946 đồng chí là Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, đặc phái viên của Bộ Nội vụ tại Thanh Hoá, sau đó là uỷ viên Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hoá. Tháng 8-1948, đồng chí là Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Liên khu 4. Tháng 7-1950, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế. Từ năm 1955 đến khi qua đời (1987) đồng chí lần lượt giữ nhiều trọng trách: Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến Khoá VI.

Trong suốt hơn 50 năm công tác, từ khi bước chân vào con đường tham gia đấu tranh cách mạng tới khi đã về nghỉ công tác, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào đồng chí ??ng Vi?t Ch?uĐặng Việt Châu cũng sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh thể hiện rõ tinh thần kiên định, sáng tạo, trách nhiệm cao, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến hết sức mình vì hạnh phúc ấm no của nhân dân. Đồng chí còn là một tấm gương liêm khiết, dũng cảm, dám vứt bỏ cái cũ, quan niệm cũ để đến với cái mới, tư tưởng, nhận thức mới hoàn thiện, đúng đắn hơn. Tính hòa đồng, luôn tìm hiểu, học tập, sáng tạo đã giúp đồng chí luôn cố gắng khắc phục và vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, luôn thể hiện là một tấm gương hết lòng chiến đấu vì dân, vì nước./.

 

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT