image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Trường Chinh- Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam

Đồng chí Trường Chinh, người cộng sản mẫu mực, kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước ta, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà hoạt động văn hoá đã có công lao to lớn trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.


Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước. Cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh) là người học rộng, tài cao, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn năm 1856. Khi làm quan ông đã kiên quyết chống Pháp nên bị Tự Đức ghét bỏ, hạ chức. Cha đồng chí là ông Đặng Xuân Viện, là một nhà khảo cứu giới trên nhiều lĩnh vực và nổi tiếng về viết sách. Mẹ là bà Nguyễn Thị Từ-một người mẹ hiền, mẫu mực, hết lòng phụng dưỡng chồng con.

Truyền thống gia đình, quê hương đã tác động sâu sắc tới Đặng Xuân Khu nên khi được gia đình cho lên Nam Định học tập, đồng chí sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Trường Chinh mở đầu bằng sự kiện năm 1925, tròn 18 tuổi đồng chí tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá chí sĩ Phan Bội Châu. Năm 1926, đồng chí là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khoá đòi tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh tại Nam Định. Bị đuổi học vì tham gia các hoạt động yêu nước, chống Pháp, đồng chí chuyển lên Hà Nội, vào học tại trường Cao đẳng thương mại và tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1927, đồng chí Trường Chinh tham gia Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội) một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1929 đồng chí là một trong những người tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ. Năm 1930, khi mới 23 tuổi đồng chí đã được Đảng chỉ định tham gia Ban tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Do những hoạt động yêu nước, chống đế quốc và chống phong kiến phản động, cuối năm 1930 đồng chí Trường Chinh bị bắt, bị kết án 12 năm tù và đày đi Sơn La. Năm 1936 do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi thả chính trị phạm của nhân dân Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã được trả lại tự do, từ nhà tù Hoả Lò (Hà Nội).

Ra tù đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp tại Hà Nội, là uỷ viên Bắc Kỳ đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ.

Năm 1938, Chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp bị đổ, phái hữu lên cầm quyền. Tháng 9-1939, Đức quốc xã phát động chiến tranh thế giới thứ II. Thực dân Pháp ở Việt Nam nhân cơ hội này mở các cuộc truy lùng, vây bắt những người cách mạng, người cộng sản ở khắp mọi nơi. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh rút vào hoạt động bí mật.

Năm 1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, đồng chí Trường Chinh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 5-1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngoài ra đồng chí còn đảm nhiệm những trọng trách khác: Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, chủ bút báo "Cờ Giải phóng" và "Tạp chí Cộng sản”, Trưởng ban Công vận Trung ương.

Năm 1943, đồng chí bị toà án binh của thực dân Pháp ở Hà Nội kết án tử hình vắng mặt.

Ngày 9-3-1945, đồng chí chủ trì hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" phát động cao trào chống Nhật cứu nước. Bản chỉ thị do đồng chí soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương thông qua cùng với "Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa" của Hồ Chí Minh tháng 8-1945, có tác dụng vô cùng to lớn hướng dẫn hành động của toàn Đảng, toàn dân lật đổ ách thống trị thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để giải phóng Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm (1945-1975) đồng chí Trường Chinh có những đóng góp rất to lớn. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh cùng với Hồ Chí Minh hoạch định đường lối kháng chiến kiến quốc.

Trong thời kỳ cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược (1954-1975) đồng chí Trường Chinh đã giữ những cương vị chủ chốt trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội. Năm 1958 đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội III của Đảng năm 1960, đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng. Với những trọng trách đó, đồng chí đã góp phần quan trọng vào việc soạn thảo và đề ra những quyết sách chiến lược đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

Từ khi Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội cho đến lúc từ trần ngày 30-9-1988, đồng chí Trường Chinh tiếp tục được Đảng, nhân dân tin cậy. Trên mọi cương vị được giao: Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Trưởng ban Lý luận Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những đóng góp rất to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí Trường Chinh gắn liền với những chặng đường đấu tranh vô cùng gian khổ quyết liệt, nhưng rất tự hào của Đảng và nhân dân ta!

Phẩm chất cách mạng và tài năng trí tuệ của đồng chí Trường Chinh thể hiện rõ trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng quyết liệt và phức tạp, nhất là ở những bước ngoặt lịch sử quan trọng, đòi hỏi có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng nước ta.

Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá I) do Bác Hồ triệu tập và chủ trì, đồng chí được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư. Sau Hội nghị đồng chí Hồ Chí Minh sang Trung Quốc cho đến tháng 9-1944. Trong thời gian Hồ Chí Minh đi vắng, đồng chí Trường Chinh gánh vác trọng trách lãnh đạo sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Đây là một thời kỳ vô cùng đen tối, dân tộc ta bị đặt trong cảnh một cổ hai tròng, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật; nhân dân bị bóc lột, đàn áp dã man, cơ sở cách mạng bị khủng bố, tan rã hàng loạt; cán bộ, đảng viên bị địch bắt bớ, tù đầy, bắn giết. Quán triệt tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm mở rộng phong trào, tập hợp quần chúng, tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là cứu nước, đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Ngay sau đêm Nhật đảo chính hất cẳng Pháp (9-3-1945) đồng chí đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí Trường Chinh đã nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh cách mạng, nhanh chóng dấy lên cao trào chống Nhật cứu nước, kịp thời nắm bắt thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa dẫn đến thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám năm 1945.

Những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền nhân dân non trẻ của ta giữa vòng vây của các thế lực hung bạo và xảo quyệt, thù trong giặc ngoài, cách mạng ở thế "Ngàn cân treo sợi tóc". Đồng chí Trường Chinh là một trong những cộng sự gần gũi và tin cậy của Bác Hồ, đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh vượt qua bao sóng gió hiểm nguy, giữ vững chính quyền cách mạng, tranh thủ thời cơ chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp. Dưới ngọn cờ yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của đồng chí đã định hướng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng. Và cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên phủ lịch sử "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã thể hiện lập trường cách mạng kiên định dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và sát cánh cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, tổ chức và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Giữa năm 1986, đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh đã được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Lúc này đất nước ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế-xã hội nặng nề, đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội lần thứ VI. Dự thảo báo cáo chính trị đã gửi xuống các cấp lấy ý kiến. Nhưng đồng chí Trường Chinh với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí là người đề xướng công cuộc đổi mới. Đồng chí nói: "Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn"! Với nội dung đổi mới khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao. Trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh-Tổng Bí thư của Đảng trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đấy con đường sáng tỏ giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân; đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI của Đảng cuối năm 1986 đã đi vào lịch sử và là một Đại hội đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam với những thành tựu to lớn, được nhân ta và các nước trên thế giới ca ngợi, đánh giá rất cao.

Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đồng chí Trường Chinh khẳng định phải nắm vững những nguyên tắc của đổi mới, trong đó nguyên tắc đầu tiên là phải kiên trì con đường và mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Là nhà lãnh đạo thực tiễn giàu kinh nghiệm, đồng chí chỉ rõ, trong sự nghiệp đổi mới Đảng phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp thu những thành tựu lý luận, những kinh nghiệm mới phong phú của các Đảng anh em. Theo đồng chí Trường Chinh: đổi mới không có nghĩa là phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy.

Quan điểm trên đây của đồng chí Trường Chinh được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (khoá VI) quán triệt và luận giải sâu sắc hơn. Hội nghị Trung ương sáu (khoá VI) đòi hỏi sự nghiệp đổi mới phải nắm vững những nguyên tắc cơ bản, trong đó nguyên tắc cơ bản đầu tiên là: "Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức bước đi và biện pháp thích hợp".

Cùng với việc đặt vấn đề đổi mới là bức thiết, có ý nghĩa sống còn, theo đồng chí Trường Chinh trong công cuộc đổi mới trước hết phải đổi mới tư duy. Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đồng chí Trường Chinh cho rằng: Trong những năm qua chúng ta đã mắc sai lầm chủ quan nóng vội, không tôn trọng, thậm chí làm trái quy luật khách quan. Tư duy trên một mặt dẫn đến việc "đốt cháy giai đoạn, làm nhiều, làm nhanh, làm lớn quá sức mình". Mặt khác đồng chí Trường Chinh chỉ rõ, "khi đã mắc sai lầm thì lại bảo thủ trì trệ, muốn kéo dài tình trạng, không dũng cảm, quyết tâm sửa chữa". Trong điều kiện đó nếu không bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ thì không thể nói gì đến đổi mới đất nước. Đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên, lâu dài".

Trong đổi mới tư duy, đồng chí đặc biệt coi trọng tư duy kinh tế. Theo đồng chí việc đặc biệt coi trọng đổi mới tư duy kinh tế là sự vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh của nước ta. Lựa chọn khâu đổi mới mang tính đột phá là tư duy kinh tế không chỉ vì đối với sự phát triển của mọi xã hội kinh tế luôn luôn giữ vai trò quyết định, không chỉ vì từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa cần đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế, mà còn vì tư duy kinh tế của chúng ta trong nhiều năm qua quá lạc hậu so với thực tế. Đồng chí Trường Chinh chỉ rõ tiềm lực của chúng ta không phải nhỏ, nhưng nhận thức, quan niệm, tư duy đã lỗi thời, đang kìm hãm việc sử dụng, phát huy tiềm lực đó. Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội đồng chí nhấn mạnh: Đại hội VI có nhiệm vụ trọng đại là trên cơ sở đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm mà hạ quyết tâm bố trí cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế kinh tế nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của đất nước.

Hiểu rõ cội nguồn thắng lợi của công cuộc đổi mới là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vì vậy, từ diễn đàn Đại hội VI, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: "trong toàn bộ hoạt động của mình Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân"; đồng thời phải thường xuyên củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Đồng chí Trường Chinh cho rằng, cùng với đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế, vấn đề đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là những nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới.

Thực tiễn và thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn và ý nghĩa thời sự của những quan điểm do đồng chí Trường Chinh nêu lên.

Như vậy, với việc khởi xướng công cuộc đổi mới, đồng chí Trường Chinh có thêm sự đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đồng chí Trường Chinh đồng thời là một người hoạt động nhà nước giàu kinh nghiệm. Đồng chí có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước kiểu mới của nhân dân ta, một Nhà nước "của dân, do dân, vì dân". Đồng chí là thành viên của Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và là Chủ tịch Uỷ ban dự thảo Hiến pháp năm 1976 và năm 1980. Trên cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng chí đã tham gia chỉ đạo, xây dựng nhiều đạo luật quan trọng của Nhà nước ta.

Đồng chí Trường Chinh là một nhà văn hoá, tác phẩm "Đề cương về văn hoá Việt Nam" năm 1943 là cơ sở lí luận cho đường lối văn hoá-văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Đảng ta.

Đồng chí là một nhà báo, một "cây bút bậc thầy", một tên tuổi hàng đầu của Báo chí cách mạng nước ta. Văn phong chính luận, sắc sảo, trong sáng, khúc chiết, tràn đầy nhiệt tình cách mạng, nóng bỏng tính thời sự và tính chiến đấu ở các bài báo của đồng chí giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong lịch sử Báo chí Việt Nam.

Đồng chí còn là một nhà thơ. Trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng biết và đọc tập thơ Sóng Hồng với những tình cảm cách mạng trong sáng, tình yêu quê hương đất nước chứa chan. Cuộc đời đồng chí Trường Chinh là tấm gương sáng của người cộng sản mẫu mực, một chiến sĩ cách mạng kiên cường một lòng một dạ phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Một nhà lãnh đạo sâu sát thực tiễn, tôn trọng tổ chức, dân chủ với cấp dưới, trung thực chân thành với đồng chí, đồng đội. Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần kiêm liêm chính, chí công vô tư. Do đó, đồng chí được đông đảo nhân dân và cán bộ, đảng viên yêu mến, kính phục.

Tuy sớm thoát ly đi hoạt động và trở thành nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, song trong suốt quá trình hoạt động, quê hương Nam Định vẫn gắn bó, là động lực nuôi dưỡng ý chí cách mạng của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Trường Chinh luôn quan tâm, chỉ đạo phong trào cách mạng ở quê hương.

Nam Định là vùng đất có truyền thống văn hiến, cần cù, anh dũng trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Nối tiếp truyền thống của quê hương, gia đình, năm 1923 Đặng Xuân Khu-Trường Chinh giã biệt quê hương Hành Thiện và thời niên thiếu vào học tại trường Thành Chung, thành phố Nam Định. Những hoạt động yêu nước và cách mạng đầu tiên của đồng chí Trường Chinh gắn bó với ngôi trường này.

Những năm tháng ở quê hương, đồng chí đã chứng kiến cảnh người nông dân bị địa chủ bóc lột. Lên thành phố học tập, Trường Chinh lại tận mắt thấy cảnh những người công nhân nhà máy Sợi Nam Định bị chủ bóc lột theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Đối với đồng chí, ách thực dân, phong kiến không phải là một khái niệm trừu tượng mà được thể hiện qua cuộc sống hàng ngày của người nông dân, công nhân ở quê hương Nam Định. Tình cảm yêu nước, thương dân, chống thực dân, phong kiến đã nảy nở và ngày càng nung nấu trong tim người thanh niên trẻ.

Năm 1925, khi Trường Chinh đang học năm thứ hai trường Thành Chung thì cả nước dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ đòi ân xá cho nhà yêu nước, chí sĩ Phan Bội Châu. Sự căm ghét chế độ thực dân phong kiến và lòng ngưỡng mộ cụ Phan đã thúc giục đồng chí tham gia rất tích cực vào các hoạt động này. Ngoài việc làm đơn lấy chữ ký gửi toàn quyền Varen, đồng chí còn cùng với các bạn in truyền đơn, in tài liệu bỏ vào khe cửa từng nhà và rải khắp các đường phố Nam Định, tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân, phong kiến, đòi ân xá Phan Bội Châu.

Việc đòi ân xá Phan Bội Châu chưa lắng xuống thì tháng 3-1926, Phan Chu Trinh qua đời. Trong bối cảnh đó, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh, Phạm Khắc Lượng, những học sinh có tư tưởng tiên tiến ở trường Thành Chung đã tới vận động, tranh thủ một số tri thức có uy tín ở Nam Định, xin phép chính quyền tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh. Yêu cầu đó bị bác bỏ. Lập tức hoạt động bãi khoá, rải truyền đơn từ trường Thành Chung lan nhanh sang tất cả các trường khác. Biết Trường Chinh là một thủ lĩnh của phong trào, nên khi sự kiện nổ ra đồng chí đã bị Chánh thanh tra tiểu học Misen bắt giam. Sau đó đồng chí bị đuổi khỏi trường Thành Chung cùng với một số học sinh khác. Thời gian Trường Chinh sống, học tập và hoạt động ở Nam Định không dài. Tuy nhiên đó là những năm tháng có ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, sáng tạo hơn 60 năm của đồng chí và để lại dấu ấn không phai mờ đối với Nam Định.

Là nhà lãnh đạo đảm nhận trọng trách cao nhất trong Đảng, Nhà nước, đồng chí Trường Chinh phải tập trung công sức, trí tuệ chăm lo những công việc đại sự của đất nước. Tuy vậy quê hương Nam Định vẫn luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc, vừa cụ thể, vừa lớn lao của đồng chí. Sự quan tâm đó thể hiện đặc biệt rõ nét mỗi lần đồng chí về thăm Nam Định. Qua những lần làm việc chính thức với lãnh đạo địa phương, qua tiếp xúc, trao đổi với nhân dân và bà con trong tỉnh, qua những dòng lưu bút mà đồng chí Trường Chinh để lại cho chúng ta thấy rõ hơn chân dung, diện mạo của một nhà cách mạng, nhà đổi mới.

Đối với Nam Định, vấn đề hàng đầu mà đồng chí Trường Chinh quan tâm là làm thế nào để Nam Định phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện và trở thành một tỉnh giàu mạnh của đất nước. Là một tỉnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, xuất phát từ chủ trương của Đảng coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trong phát triển kinh tế ở Nam Định, đồng chí Trường Chinh đòi hỏi phải tập trung vào nông nghiệp. Đồng chí chỉ rõ "Toàn Đảng bộ phải có quyết tâm cao để giành thắng lợi to lớn, vững chắc trên mặt trận lương thực nói riêng và mặt trận nông nghiệp nói chung". Để đạt mục tiêu đó, đồng chí chỉ ra một cách cụ thể: phải hoàn chỉnh thuỷ nông, giải quyết tốt giống, cây con, vật tư, kỹ thuật, tổ chức, quản lý nông nghiệp...đồng chí nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp phải gắn bó với phát triển công nghiệp và ngành nghề. Đồng chí căn dặn huyện Xuân Trường "Thâm canh nông nghiệp giỏi phải kết hợp phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân".

Là một nhà chiến lược, nhà văn hoá lớn của dân tộc, đồng chí hiểu rằng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sồng nhân dân phải rất coi trọng giáo dục-đào tạo. Năm 1987 về thăm trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, trường Thành Chung hơn 60 năm trước, đồng chí Trường Chinh đã theo học và hoạt động cách mạng, đồng chí căn dặn: nhà trường phải thi đua dạy tốt, học tốt, Đảng, chính quyền và nhân dân Nam Định cần quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục-đào tạo của tỉnh.

Là người ba lần được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, Trường Chinh đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Đảng và xác lập mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Điều đó cũng được thể hiện sâu sắc mỗi khi đồng chí về thăm quê hương Nam Định. Đồng chí khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để làm tròn vai trò hạt nhân lãnh đạo từ tổ chức Đảng các cấp đến mỗi cá nhân, đảng viên phải trong sạch vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Từ nguyên tắc chung đó, đồng chí đặt vấn đề với Nam Định: Tỉnh uỷ phải nắm chắc công tác tuyên truyền và công tác tổ chức. Một mặt nêu cao hơn nữa tinh thần cách mạng tiến công, tích cực chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của các cấp bộ Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, mặt khác cần khắc phục tư tưởng ỷ lại, bị động, thói quen, ý nghĩ của người sản xuất nhỏ như làm dối, làm ẩu, tham ô, lãng phí, quan liêu.

Mỗi lần về thăm quê, nhà hoạt động thực tiễn Trường Chinh đều để lại cho Đảng bộ và nhân dân địa phương những ấn tượng khó phai mờ. Đảng bộ và nhân dân Xuân Trường, Nam Định mãi mãi trân trọng bút tích của Trường Chinh ghi trong sổ lưu niệm, 3-1981 khi đồng chí đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, kết hợp về thăm quê "sau 21 năm trở lại quê nhà tôi vô cùng phấn khởi, khi thấy cuộc sống của bà con có những thay đổi. Tôi không năng về quê, vì bận lo công việc chung của cả nước. Tuy vậy tôi vẫn luôn dõi theo từng bước tiến của quê hương".

Tháng 11-1987, 10 tháng trước lúc đi xa, đồng chí Trường Chinh về thăm Nam Định, quê hương Hành Thiện, trường Thành Chung xưa kia, trường PTTH Lê Hồng Phong hôm nay, nhà máy Dệt Nam Định.

Tuy đã đi xa, nhưng di sản của đồng chí Trường Chinh vẫn còn trong hành trang của Đảng và nhân dân Việt Nam nói chung, Đảng bộ và nhân dân Nam Định nói riêng vững bước tiến vào thế kỷ XXI, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viết "Mãi mãi sau đây, dân tộc ta nhớ tới đồng chí Trường Chinh với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1941, cùng với Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ đã có những quyết sách rất sáng tạo trong những bước ngoặt của lịch sử nước ta trong thế kỷ XX". Đồng chí Nông Đức Mạnh khẳng định: Trường Chinh "Một tấm gương lớn của những người cộng sản trong thời đại Hồ Chí Minh".

 

TS NGUYỄN KHÁNH BẬT

 


image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT