image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nhìn lại 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn và mang tính thời đại, đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, đồng thời cũng là bước ngoặt của Việt Nam trên con đường hội nhập. Trải qua 45 năm đồng hành (20/9/1977 - 20/9/2022), mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc không ngừng củng cố, phát triển mạnh mẽ.

Việc Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc đã tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế cho tái thiết đất nước, mà còn ngày càng tham gia, đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của Liên hợp quốc và của thế giới, thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, Việt Nam đã được Liên hợp quốc hỗ trợ mạnh mẽ để tái thiết và phát triển đất nước. Ngay sau khi gia nhập, trong giai đoạn 1977 - 1986, Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD. Trong giai đoạn 2006 - 2011, tổng viện trợ là 400 triệu USD. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc là một trong những tổ chức đi đầu giúp đỡ Việt Nam hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm phát triển trong nhiều lĩnh vực. Trong giai đoạn này, Việt Nam hoàn thành trước hạn 5 trong 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG); tích cực phối hợp các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc đã phát huy tính hiệu quả tối đa. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu liều vaccine phòng Covid-19 thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức của Liên hợp quốc.

Thứ hai, Việt Nam đã không ngừng nâng cao được vị thế, uy tín thông qua những đóng góp tích cực, thiết thực đối với các hoạt động của Liên hợp quốc, trở thành đối tác quan trọng của Liên hợp quốc. Với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và có nhiều đóng góp trên cả 3 trụ cột hoạt động của Liên hợp quốc là hòa bình, an ninh, phát triển và quyền con người. Nổi bật là việc Việt Nam đã đảm nhiệm thành công và có những đóng góp nổi bật trong hai nhiệm kỳ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008 - 2009 và 2020 - 2021) - cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Từng đảm nhận các cương vị là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, của Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC); tham gia vào những cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), 2 lần đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc và gần đây nhất trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 2. Đóng góp cho hòa bình, an ninh quốc tế, năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã cử 512 lượt sĩ quan quân đội và 4 lượt sĩ quan công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi và tại trụ sở Liên hợp quốc. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân (12%).

45 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc đã phát triển mạnh mẽ, thực chất; góp phần quan trọng trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của Liên hợp quốc, là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed nhấn mạnh, tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng và khác biệt. Đại diện phái đoàn thường trực Pháp và Bỉ cho rằng “Việt Nam là một đối tác mạnh tại Hội đồng Bảo an” với “tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới”.

Đối ngoại đa phương là một trong những ưu tiên của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội lần thứ XIII của Đảng định hướng công tác đối ngoại đa phương là “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế”. Trên cơ sở đó, việc thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc được xác định là một trong những trọng tâm của đối ngoại đa phương qua các thời kỳ. Trong điện mừng nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc, phát huy vai trò đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung vì hòa bình, phát triển bền vững trên thế giới và ở mỗi quốc gia./.

                                                (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT