image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Kết quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố
Bằng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ đề ra. Qua việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố sẽ nâng cao tính tự quản của người dân; đồng thời có điều kiện khôi phục, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố theo Thông báo số 280/TB-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 19-8-2021 của UBND tỉnh đã được các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các thôn (xóm), tổ dân phố tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu thực hiện các công việc; đồng thời vận động nhân dân thực hiện đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố ở các địa phương. Thực tế tại thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Mỹ Lộc cho thấy, quy trình tiến hành sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố được thực hiện bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng từng khâu, từng bước theo quy định. Phòng Nội vụ các huyện, thành phố bám sát các quy định của pháp luật, đặc điểm tình hình cơ sở kịp thời hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Các xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố ở địa phương đều đã nêu rõ thực trạng, phương án sáp nhập cụ thể của từng thôn (xóm), tổ dân phố; tích cực tuyên truyền, vận động giải thích chủ trương của Đảng, mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố nên tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân; giải quyết và đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh sau sáp nhập... 

Đặc biệt, để đảm bảo chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước được phát huy cao nhất tại cơ sở, nhiều địa phương đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với các thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sáp nhập và đạt 100% tiêu chí tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huyện Giao Thuỷ có tổng số 332 thôn (xóm), tổ dân phố nhưng chỉ có 87 thôn (xóm), tổ dân phố diện phải sáp nhập; có 195 thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sáp nhập và 5 thôn (xóm), tổ dân phố đạt 100% tiêu chí vẫn thực hiện sáp nhập. Đồng chí Phạm Quang Ái, TUV, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy cho biết: “Đảng bộ, chính quyền huyện nhận thức rõ việc sắp xếp lại các thôn (xóm), tổ dân phố nhằm khắc phục tình trạng thôn (xóm), tổ dân phố có quy mô dân số nhỏ, không đồng đều, phân tán, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nhất là kết quả huy động sức dân đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, giảm gánh nặng ngân sách chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Qua tính toán dựa trên các yếu tố đặc thù theo quy định và đảm bảo cho sự phát triển của địa phương, huyện Giao Thủy đã xây dựng phương án thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với các thôn (xóm), tổ dân phố diện phải sáp nhập; các thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sáp nhập và thôn (xóm), tổ dân phố đạt 100% tiêu chí vẫn thực hiện sáp nhập do có các thôn (xóm), tổ dân phố liền kề thuộc diện phải sáp nhập. Theo phương án, sau sáp nhập là 195 thôn (xóm), tổ dân phố, giảm 137 thôn (xóm), tổ dân phố, đạt tỷ lệ giảm 41,27%”. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện rà soát, sắp xếp, sáp nhập, các địa phương luôn quan tâm xem xét đến yếu tố lịch sử, văn hóa, tập quán, yếu tố đặc thù của từng địa phương nên trong công tác chỉ đạo sáp nhập cũng luôn được cân nhắc và thực hiện linh hoạt theo lộ trình; tránh gượng ép, máy móc làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tổ dân phố Phú Cường, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) thuộc diện phải sáp nhập nhưng không thực hiện do địa bàn cách sông Ninh Cơ và dân cư xâm canh trên đất xã Hải Anh (Hải Hậu). Một số thôn (xóm), tổ dân phố đã sáp nhập 2 hoặc 3 thôn (xóm), tổ dân phố nhưng vẫn chưa đạt 100% tiêu chí về số hộ gia đình và không phù hợp thực hiện sáp nhập thêm các thôn (xóm), tổ dân phố khác được do cách trở về địa lý, tôn giáo… thì sẽ tiếp tục thực hiện việc sáp nhập trong các giai đoạn tiếp theo. 

Cùng với làm tốt công tác rà soát, xây dựng đề án, phương án, việc lấy ý kiến của người dân trong sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố đều được các địa phương thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Sau khi Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố được xây dựng, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với các thôn (xóm), tổ dân phố tiến hành lấy ý kiến cử tri của thôn (xóm), tổ dân phố về nội dung của Đề án; trong quá trình xin ý kiến cử tri vừa đảm bảo phát huy dân chủ theo quy định pháp luật, vừa phù hợp với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đến ngày 15-10-2021, 100% các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố. Kết quả hầu hết cử tri đều đồng ý; trong đó nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đồng ý cao như thành phố Nam Định có số phiếu đồng ý sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố đạt tỷ lệ từ 87,5% đến 98%.

Toàn tỉnh hiện có 3.674 thôn (xóm), tổ dân phố; trong đó có 1.607  thôn (xóm), tổ dân phố diện phải sáp nhập; dự kiến sáp nhập 1.587 thôn (xóm), tổ dân phố còn 20 thôn (xóm), tổ dân phố không thực hiện sáp nhập do đặc thù; 1.736 thôn (xóm), tổ dân phố diện khuyến khích sáp nhập, dự kiến sáp nhập 879 thôn (xóm), tổ dân phố; 23 thôn (xóm), tổ dân phố đạt 100% tiêu chí vẫn thực hiện sáp nhập. Tổng số thôn, tổ dân phố sau sáp nhập còn 2.154, giảm 1.520 thôn (xóm), tổ dân phố, đạt tỷ lệ giảm 41,37%. Cùng với giảm số thôn (xóm), tổ dân phố sẽ giảm khoảng 9.300 người hoạt động tại thôn (xóm), tổ dân phố: Trong đó người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố giảm khoảng 3.000 người; chi hội trưởng và bí thư chi đoàn giảm khoảng 5.000 người; công an viên và bảo vệ dân phố giảm khoảng 1.300 người. Hiện nay, Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố đã được HĐND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh thông qua và ban hành nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn, báo cáo để UBND các huyện, thành phố hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-10-2021./.

Tin khác
1 2 
image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT