image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tài liệu hỏi-đáp về của sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố giai đoạn 2021-2022

Ngày 17/9/2021 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành tài liệu hỏi-đáp về của sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố giai đoạn 2021-2022 kèm theo Công văn số 193-CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xin giới thiệu nội dung tài liệu hỏi-đáp:

Câu hỏi 1: Mục đích, ý nghĩa của sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố?

Trả lời: Việc sắp xếp, sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố để đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định, góp phần tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ ở cơ sở; đồng thời tạo thuận lợi để các thôn xóm, tổ dân phố củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Câu hỏi 2: Về số lượng thôn (xóm), tổ dân phố và quy mô hộ gia đình; số người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.674 thôn (xóm), tổ dân phố, trong đó có 2.905 thôn (xóm) và 769 tổ dân phố. Có 614.646 hộ gia đình. Tổng số người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố là 26.308 người và kinh phí chi trả cho người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố là khoảng 21 tỷ đồng/tháng.

Câu hỏi 3: Các nguyên tắc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố?

Trả lời:

- Theo tiêu chí quy mô số hộ gia đình của thôn (xóm), tổ dân phố quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố quy định: điều kiện thành lập mới thôn, tổ dân phố ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng là thôn có từ 300 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên. Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên thực hiện sáp nhập ở những nơi đủ điều kiện.

- Theo yếu tố đặc thù: Nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch giãn dân; có địa hình chia cắt phức tạp, biệt lập; có yếu tố khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, yếu tố về sinh hoạt cộng đồng theo thôn, làng truyền thống...

Câu hỏi 4: Tỉnh Nam Định có bao nhiêu thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập?

Trả lời: Đối chiếu quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ thì toàn tỉnh Nam Định có 1.859 thôn (xóm), tổ dân phố phải thực hiện sáp nhập. Trong đó, 1.293 thôn (xóm) có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định (dưới 150 hộ gia đình); 566 tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định (dưới 175 hộ gia đình).

Câu hỏi 5: Tỉnh Nam Định có bao nhiêu thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sáp nhập?

Trả lời: Theo báo cáo và phương án sơ bộ của các huyện, thành phố, dự kiến có 283 thôn (xóm) thuộc diện khuyến khích sáp nhập. Đây là những thôn, xóm có quy mô số hộ gia đình từ 50% theo quy định trở lên (từ 150 hộ gia đình đến dưới 300 hộ gia đình) do có chung truyền thống văn hóa (cùng làng hoặc đội sản xuất trước đây), có sự tương đồng về các giá trị tín ngưỡng, tôn giáo… được đa số nhân dân đồng tình.

Câu hỏi 6: Việc kiện toàn các tổ chức và thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

- Việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm), tổ dân phố được thực hiện theo quy định của Điều lệ từng tổ chức và các văn bản pháp luật hiện hành của Trung ương và của tỉnh.

- Nhân sự do cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cấp xã lựa chọn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và theo tiêu chuẩn quy định; ưu tiên những người đang tham gia công tác tại thôn (xóm), tổ dân phố trước khi sáp nhập và phù hợp với quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

- Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố dôi dư sau sắp xếp được thực hiện theo quy định hiện hành của Trung ương và của tỉnh.

Câu hỏi 7: Việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Có 03 hình thức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố. Cụ thể:

- Tổ chức hội nghị thôn (xóm), tổ dân phố để lấy ý kiến: Trưởng thôn (xóm), Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác mặt trận thôn (xóm), tổ dân phố để tổ chức họp toàn bộ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn (xóm), tổ dân phố lấy ý kiến về việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố. Hội nghị lấy ý kiến về Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố phải được quán triệt và tổ chức theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và phải lập biên bản, trong đó ghi rõ tổng số cử tri lấy ý kiến, số cử tri tán thành, số cử tri không tán thành và ý kiến khác… Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị, kết quả lấy ý kiến của những người tham gia cuộc họp báo cáo UBND cấp xã để tổng hợp thành báo cáo kết quả chung lấy ý kiến cử tri của cấp xã.

- Phát phiếu lấy ý kiến: Trưởng thôn (xóm), Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác mặt trận thôn (xóm), tổ dân phố xây dựng kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến, chuẩn bị phiếu lấy ý kiến theo hướng dẫn của UBND cấp xã; thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến có từ 3 đến 5 người. Tổ phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình để phát phiếu cho cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình. Trưởng thôn (xóm), Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của những người tham gia vào phiếu lấy ý kiến báo cáo UBND cấp xã để tổng hợp thành báo cáo kết quả chung lấy ý kiến của cấp xã.

- Kết hợp hình thức tổ chức họp hội nghị cử tri của thôn (xóm), tổ dân phố để lấy ý kiến và phát phiếu lấy ý kiến cử tri:

+ Việc lấy ý kiến được thực hiện tại hội nghị cử tri chưa đạt tỷ lệ 50% theo yêu cầu mà không thể tiếp tục tổ chức hội nghị lần thứ hai thì có thể phát phiếu lấy ý kiến đối với những cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình chưa nhất trí hoặc vắng mặt.

+ Trưởng thôn (xóm), Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của những người vừa thực hiện hình thức tổ chức họp hội nghị cử tri của thôn (xóm), tổ dân phố để lấy ý kiến và phát phiếu lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình báo cáo UBND cấp xã để tổng hợp thành báo cáo kết quả chung lấy ý kiến cử tri của cấp xã.

Câu hỏi 8: Về tên gọi của thôn (xóm), tổ dân phố sau khi sáp nhập?

Tên gọi của thôn (xóm), tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập phải phù hợp phong tục tập quán, truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, đặc điểm từng vùng, miền…

Câu hỏi 9: Kinh phí thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo.

- Đối với những đơn vị có khó khăn về kinh phí, UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện để xem xét, hỗ trợ đảm bảo có đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của đơn vị.

Câu hỏi 10: Thời gian thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố?

Trả lời:

- Thời gian hoàn thành Phương án tổng thể của các huyện, thành phố chậm nhất là ngày 30/9/2021;

- Thời gian trình HĐND các xã, phường, thị trấn thông qua Đề án chậm nhất là ngày 20/10/2021;

- Các huyện, thành phố hoàn thành việc thực hiện Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/10/2021;

- UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định và thực hiện từ ngày 01/01/2022./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

Tin khác
1 2 
image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT