image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phù hợp với giai đoạn mới
Đạo đức nói chung là một phẩm chất cao quý nhất của con người, nói rộng ra là của xã hội loài người, kể từ thời cộng sản nguyên thủy, thời nô lệ, đến thời phong kiến, thời tư bản chủ nghĩa và thời xã hội chủ nghĩa ngày nay. Tất nhiên, nội hàm của chuẩn mực của đạo đức qua các thời kỳ tuy có điểm tương đồng, nhưng không phải không có nhiều khác biệt. 

Trong quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen luôn đặc biệt coi trọng việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, “sống, chiến đấu cho lý tưởng cộng sản là phẩm chất cách mạng hàng đầu của người cộng sản; tiếp theo là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quốc tế, đấu tranh đến cùng cho thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. “Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I. Lênin đã xác định 10 chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản của cán bộ, đảng viên, trong đó, 3 chuẩn mực đầu tiên là: (1) Tuyệt đối trung thành với Đảng, hy sinh quên mình vì chủ nghĩa xã hội; (2) Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và đoàn kết quốc tế; (3) Tận tụy, hết lòng với công việc, không tham ô, hối lộ. V.I.Lênin còn nhấn mạnh: “Khiêm tốn, không kiêu ngạo cộng sản”. “Không tự cao, tự đại”.

anh tin bai

Các đại biểu tham quan triển lãm sách, ảnh về chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Vì sao? Vì, theo V.I.Lênin, trong bối cảnh cách mạng Nga thời bấy giờ, tính kiêu ngạo cộng sản thực sự là “kẻ thù nội xâm” đầu tiên mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt. Lênin nói: “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản - Tự ta ta thu xếp được”. “Chỉ trông vào bàn tay của những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ. Những người cộng sản chỉ là một giọt nước trong đại dương, một giọt nước trong đại dương nhân dân... Họ chỉ có thể lãnh đạo nhân dân đi theo con đường của mình với điều kiện là họ vạch ra được con đường đó cho đúng, không những chỉ đúng theo hướng đi của lịch sử thế giới mà thôi”.

Với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ vô vàn kính yêu của toàn Đảng, toàn dân ta, vừa là lãnh tụ tối cao anh minh, ngọn cờ chính trị, tư tưởng kiệt xuất, vừa là tấm gương ngời sáng của đạo đức cách mạng. Người từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”

Bác Hồ còn chỉ rõ: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập trường.

Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.

Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.

Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta”.

Rất đúng khi nói rằng, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Các chuẩn mực này được Bác khẳng định trong nhiều tác phẩm, nhiều bài nói, bài viết trong những bối cảnh khác nhau, bao gồm những chuẩn mực cơ bản sau: (1) Suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên hết, trước hết; (2) Trung với nước, hiếu với dân; (3) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; (4) Nhân, Nghĩa, Dũng, Trí, Tín; (5) Thương yêu con người, sống có tình nghĩa; (6) Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; (7) Kỷ luật nghiêm minh; (8) Tinh thần quốc tế trong sáng; (9) Chống chủ nghĩa cá nhân; (10) Học tập suốt đời.

Mỗi chuẩn mực cơ bản ấy đều được Bác trình bày, diễn giải một cách mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu, bình dị nhưng rất sâu sắc, dễ đi vào lòng người. Thí dụ: Về chống chủ nghĩa cá nhân, Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng... Chủ nghĩa cá nhân sinh ra nhiều bệnh, phạm nhiều sai lầm khuyết điểm. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. “Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.”

Về chuẩn mực “Học tập suốt đời”, Bác chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng... Cán bộ, đảng viên phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt nhiệm vụ. Học để làm việc. Học để làm người. Học để làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể. Học để phụng sự giai cấp và nhân dân. Học để phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.” Và “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

Theo Bác, “Đạo đức cách mạng không phải tự trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ, hàng ngày mà phát triển và củng cố.”

*                *

*

Những trích dẫn tôi nêu ra trên đây phần lớn đều lấy từ tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác viết năm 1947. 76 năm đã trôi qua, nhưng những gì Bác nói về đạo đức cách mạng nói chung và chuẩn mực đạo đức cách mạng nói cụ thể, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị. Dẫu sao, như Bác từng nói: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy mà cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa.”

Phải chăng đây là lý do quan trọng hàng đầu để chúng ta lựa chọn chủ đề của Hội thảo quốc gia này là: “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới?” Giai đoạn mới nói ở đây được hiểu là giai đoạn từ Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) trở đi.

Về nhiệm vụ xây dựng Đảng, Đại hội nêu lên hai điều cần tập trung là: (1) Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; (2) Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.

Về xây dựng Đảng về đạo đức, Đại hội chủ trương: Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công tác hằng ngày.

Về bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Ban Tuyên giáo Trung ương đề xuất hai phương án.

Phương án 1: Nêu các chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đồng thời xác định các thành tố tạo thành nội hàm, tiêu chuẩn của từng chuẩn mực. Đó là:

(1) Trung thành với Đảng, với nước;

(2) Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;

(3) Bản lĩnh, kiên định, tận tụy, sáng tạo;

(4) Dân chủ, kỷ cương;

(5) Tự cường, kiên quyết;

(6) Nghĩa tình, đoàn kết;

(7) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

(8) Tiên phong, gương mẫu;

(9) Học tập, rèn luyện suốt đời.

Phương án 2: Quy định của Đảng, chỉ nêu các chuẩn mực, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc. Thành tố của các chuẩn mực nêu trong văn bản hướng dẫn để xác định rõ nội hàm, bảo đảm dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá. Cụ thể:

(1) Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân;

(2) Tận tụy với công việc, nhân nghĩa với người;

(3) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

(4) Giữ gìn danh dự, đoàn kết, kỷ cương;

(5) Bản lĩnh, kiên định, trí, dũng, tự cường;

(6) Trách nhiệm, trung thực, tiền phong, kiên quyết;

(7) Tu dưỡng, nêu gương, tự soi, tự sửa;

(8) Nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống;

(9) Không ngừng học tập, suốt đời phấn đấu.

Theo tôi, cả hai phương án nêu trên đều tốt. Mỗi phương án đều có mặt mạnh và mặt cần bổ khuyết.

Tôi đồng tình với Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị ban hành “Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” theo một trong hai phương án nêu trên, làm chuẩn mực chung để các ban, bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa.

Tin rằng “Quy định” này nếu được sớm ban hành sẽ là một luồng gió mới thổi mạnh vào phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” đang phát triển và ngày càng có chiều hướng phát triển hơn nữa./.

HÀ ĐĂNG
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng 

Nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT