Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị
Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có một số điểm quan trọng sau:
Phạm vi, đối tượng lấy phiếu
tín nhiệm và thành phần ghi phiếu tín nhiệm: Là cán bộ giữ chức danh, chức vụ
lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ
Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác
chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện
lấy phiếu tín nhiệm.
Thành phần ghi phiếu tín
nhiệm được quy định cụ thể đối với từng chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý
trong hệ thống chính trị. Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi
có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.
Việc lấy phiếu tín nhiệm
được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp),
cụ thể như sau: Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng
nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội. Lấy
phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực
hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lấy phiếu
tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp uỷ địa phương tiến hành sau khi lấy
phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu. Lấy phiếu
tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau
sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm:
(1) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: Lập trường,
quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;
tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính,
trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ý thức tổ
chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất
là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân
công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ
quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn
đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của
Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không
được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con
trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ
mối liên hệ với cấp uỷ nơi cư trú. (2) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ
được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu): Kết quả lãnh đạo,
tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo,
quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được
giao. Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được
giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Kết
quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong
lĩnh vực, phạm vi phụ trách.
Kết quả phiếu tín nhiệm được
sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm,
giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với
cán bộ. Những trường hợp có trên 50% phiếu nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp
thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn;
xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ
chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm
thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ
đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ,
hết thời hạn bổ nhiệm. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc
đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở
xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi./.
Ban Tuyên giáo
Trung ương