image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Người khơi nguồn cống hiến

Nam Định là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới, hiện nay đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt nông thôn mới nâng cao. Để đạt được kết quả tự hào đó, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là cấp cơ sở. Thôn Cư Nhân, xã Mỹ Thành là một minh chứng cho sự đoàn kết, vượt khó, tiên phong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Mỹ Lộc. Phát huy vai trò của cấp ủy cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy trong phong trào nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, mặc dù tuổi đã cao (80 tuổi) nhưng với uy tín của người đứng đầu cấp ủy, bác Trịnh Xuân Nhâm - Bí thư Chi bộ thôn Cư Nhân không ngại khó, ngại khổ, từng bước vận động cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong thôn hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn ngày công, ủng hộ hàng tỷ đồng... trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

anh tin bai

 

Từ một thôn quê còn nhiều khó khăn

Những năm trước đây, khi nhắc đến xã Mỹ Thành, ấn tượng nhớ đến đó là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mỹ Lộc, thôn Cư Nhân là một phần của sự khó khăn ấy. Thôn có diện tích tự nhiên 54ha, 191 hộ với 586 nhân khẩu, 26 đảng viên. Thu nhập bình quân thấp (năm 2010 thu nhập trung bình đạt khoảng 14 triệu đồng/người/năm, năm 2014 đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm), là thôn nông nghiệp độc canh cây lúa; chưa khai thác được thế mạnh của vùng đất ven đô. Công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, khả năng sản xuất hàng hoá thấp, chưa có nguồn thu lớn. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũ và lạc hậu. Một số chỉ tiêu ở mức trung bình và thấp so với sự phát triển chung… Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn. Năng lực của cấp uỷ đảng chưa cao, đôi lúc chưa khẳng định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức tư tưởng chính trị của một số cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ; chưa tự giác, hăng hái trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào tại địa phương; một số đảng viên hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, còn có tình trạng tránh né, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác dân vận còn hình thức; sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong công tác dân vận có lúc chưa được đồng bộ thường xuyên…

Mặc dù tuổi đã cao (80 tuổi), là cán bộ xã nghỉ hưu, năm 2016, bác Trịnh Xuân Nhâm được cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Cư Nhân tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ. Trước tình hình thực tiễn tại chi bộ, thôn, bác luôn trăn trở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân, tìm tòi nâng cao chất lượng sống cho người dân; tạo diện mạo mới, sức sống mới cho quê hương.

Là một trong hai thôn dẫn đầu toàn huyện trong xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu

Xác định xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn, sâu sắc của Đảng, Nhà nước hướng tới mục tiêu vì nhân dân, vì sự phát triển của xã hội; người dân vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, đồng thời là đối tượng được thụ hưởng. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh và địa phương; là người đứng đầu chi bộ thôn, bác Nhâm xác định nguồn “nội lực” từ nhân dân, cần phải "khơi sức dân" để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trước hết phải tạo ra sự đồng thuận; tạo sự chuyển biến căn bản nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chi bộ Cư Nhân do bác là người đứng đầu cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng chủ trương xây dựng nông thôn mới, lộ trình thực hiện của tỉnh, huyện, xã, thôn; đặc biệt tập trung tuyên truyền, phân tích ý nghĩa, mục tiêu, lợi ích của xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức khác nhau: qua loa đài phát thanh; sinh hoạt chi bộ, hội; sinh hoạt văn hoá, văn nghệ… Trong các cuộc vận động đóng góp ủng hộ; bác luôn vận động cán bộ, đảng viên đi đầu trong việc ủng hộ tiền, đất đai, ngày công… với phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, từ đó lan toả đến đông đảo người dân trong thôn. Bên cạnh đó, chi bộ thôn lãnh đạo việc thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch mọi đóng góp, chi tiêu với nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”…

 “Mưa dầm thấm lâu”, chứng kiến những việc làm thiết thực, cụ thể của những cán bộ, đảng viên gương mẫu; người dân trong thôn dần dần thấy được vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực phong trào xây dựng nông thôn mới; từ hiểu đúng, hiểu đủ đến đồng sức, đồng lòng, đoàn kết, động viên nhau hăng hái tham gia tự chặt hạ cây cối, tháo dỡ công trình (có những công trình tháo dỡ lên đến 100 triệu - một số tiền không nhỏ đối với người dân nông thôn), tình nguyện hiến 1.452 m2 đất ở, đất ao vườn để xây dựng đường trục xã; hơn 4.000 m2 đất ruộng để làm nhà văn hóa, sân thể thao thôn; hoàn thành xây dựng nhà văn hóa mới với diện tích 180 m2 trên khuôn viên đất với diện tích 2.260 m2, có đủ các thiết chế văn hóa; xây dựng sân vận động thôn với diện tích 5.335 m2; tự nguyện đóng góp 5.714 triệu đồng/người, hàng chục nghìn ngày công để xây dựng các công trình giao thông thủy lợi, làm đường dong ngõ, cổng làng, tu sửa đình làng... Trong tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới là 6,484 tỷ đồng, ngoài vốn ngân sách xã 92 triệu đồng, thôn đã huy động được nguồn đóng góp từ nhân dân 2,570 tỷ đồng, từ cộng đồng 3,852 tỷ đồng…

Cư Nhân những ngày này mang khí thế như "những ngày đồng khởi" đầy tự hào; người người, nhà nhà chung sức đồng lòng hiến đất, tự nguyện đóng góp tài sản, tập trung xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống đường giao thông, đường trục thôn, đường dong ngõ, đường nội đồng… Nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, tập trung phát triển kinh tế nông thôn, mở rộng thêm một số lĩnh vực ngành nghề dịch vụ, cơ khí; thu nhập của người dân tăng nhanh (năm 2021, thôn Cư Nhân có thu nhập bình quân đạt 62,4 triệu đồng/người); bảo vệ môi trường sinh thái, triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; đời sống về vật chất và tinh thần cho người dân tăng lên rõ rệt. Diện mạo nông thôn thay da đổi thịt từng ngày.

Bác Nhâm chia sẻ: “Bản thân tôi và gia đình, lúc nào cũng ủng hộ đầu tiên, ủng hộ tiền nhiều hơn quy định bình thường; chủ động đóng góp đất ao vườn trong xây dựng đường nông thôn, thôn xóm. Để đông đảo quần chúng nhân dân không tiếc sức người, sức của, tham gia hăng hái các cuộc vận động, theo tôi, đó là sự gương mẫu, là uy tín của cấp uỷ đảng, nhất là người đứng đầu. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng càng khó khăn, thì chúng tôi càng động viên nhau quyết tâm thực hiện, vì chúng tôi đều biết, những việc làm ấy đều vì người dân, vì chất lượng cuộc sống người dân nông thôn”.

Thôn Cư Nhân không phải là thôn dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; nhưng là địa phương vượt khó, tiên phong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Mỹ Lộc, đã được công nhận là khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. Đó là một kỳ tích đáng ghi nhận, mà trước đây ít ai dám nghĩ tới. Sự phát triển vượt bậc của Cư Nhân là không thể phủ nhận, là niềm tự hào của các cấp ủy đảng, của mỗi người dân Cư Nhân; đó là quá trình cống hiến hết mình của cấp uỷ chi bộ, đứng đầu là bác Bí thư Chi bộ Trịnh Xuân Nhâm - người đã cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết, cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong thôn; huy động tất cả nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của người dân và con em xa quê. Với cống hiến ấy, bác Trịnh Xuân Nhâm - Bí thư Chi bộ thôn được tỉnh Nam Định đề nghị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (trong Chương trình giao lưu Hành trình khát vọng) năm 2022.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp uỷ đảng, sự đồng thuận, tin tưởng, quyết tâm của toàn thể nhân dân Nam Định nói chung, thôn Cư Nhân nói riêng; sự tận tâm, tận lực, uy tín, trách nhiệm của những người đứng đầu cấp uỷ, đặc biệt là cấp uỷ cơ sở; chúng ta tin tưởng rằng với quyết tâm ấy, với sự cống hiến hết mình ấy, thôn Cư Nhân sẽ sớm trở thành mô hình thôn thông minh góp phần quan trọng để tỉnh Nam Định tiếp tục là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.  

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT