image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Huấn thị của Hồ Chủ Tịch với cán bộ và nhân dân Nam Định ngày 24-4-1957 (Lần thứ 2 năm 1957)

(Lược ghi)

Trước hết, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm anh chị em.

Hôm nay, Bác nói chuyện đặc biệt với anh chị em công nhân nhà máy Dệt Nam Định, nhưng tất cả anh chị em công nhân, các bộ các ngành và đồng bào lao động nghe cũng có ích.

Bác nói chuyện, có tốt thì Bác khen, có khuyết điểm thì phê bình và phê bình đến nơi đến chốn để anh chị em sửa chữa.

Trước khi thành phố được giải phóng, anh chị em đã cố gắng đấu tranh giữ máy móc, không cho địch phá và tháo mang đi. Đấy là một điểm tốt đáng khen. Từ ngày ta tiếp quản, anh chị em đã cố gắng bảo đảm mức sản xuất: Đó là điểm thứ hai đáng khen. Điểm thứ ba: trong lúc sản xuất, cán bộ, công nhân cũ lành nghề đã cố gắng sản xuất và tích cực giúp đỡ công nhân mới để mở rộng sản xuất. Đấy cũng là điều đáng khen.

Chế độ thực dân phong kiến nó coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được chú ý cất nhắc. Trong các ban quản đốc, đã có 2 phụ nữ. Đó là tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa, ở các nước bạn ta như Liên Xô, Trung Quốc, thường thường giám đốc là phụ nữ vì nhà máy dệt thuộc về công nghệ nhẹ. Bây giờ phụ nữ ta có dám làm như thế không? Có học thêm thì làm được, nhưng giao cho các cô ngay, chắc chắn chưa làm được đâu? Nay nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn, việc nhỏ đều cất nhắc phụ nữ, nên phụ nữ phải cố gắng, khi tiến bộ thì làm được, thế thì cố mà làm.

Trong nhà máy, công tác chính trị, văn hoá, vệ sinh, mỹ thuật phần đông có tiến bộ, nhưng chưa đủ, cần cố gắng nữa. Thí dụ: Khi Bác vào thăm nhà máy thấy bụi bông bay nhiều. Công nhân hút phải nhiều bụi, như thế không hợp vệ sinh. Bác có hỏi: Sao không làm vải che mồm? Đồng chí phó giám đốc trả lời: Đã làm, nhưng chị em phụ nữ không thích đeo vì sợ mất duyên dáng và không ăn trầu được. Như thế là không đúng, không giữ được vệ sinh, sẽ mắc bệnh phải đi viện, tốn thuốc lại bỏ sản xuất.

Điều đáng được khen nữa là Bác được nghe báo cáo cả năm ngoái nhà máy bầu được 94 chiến sĩ. Năm nay, mấy tháng đầu năm đã bầu được 1.334 lao động xuất sắc. Như thế là tốt nhưng chưa đủ, vì một vạn công nhân mà mới có hơn nghìn lao động xuất sắc, còn ít quá. Các cô, các chú phải cố gắng nữa cho đại đa số công nhân là xuất sắc thì nhà máy mới là nhà máy tiến bộ, nhà máy xuất sắc. Các cô, các chú có cố gắng không? Lần sau có tiến bộ Bác sẽ về thăm, không tiến bộ Bác không về thăm.

Tóm lại, nhà máy đã cố gắng; giữ được máy móc, bảo đảm sản xuất, có nhiều chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, công tác văn hoá xã hội cũng khá. Đó là những điểm đáng khen.

Sau đây là phê bình:

Nhà máy này trước đây là nhà máy của ai? Của thực dân Pháp; nó làm có lãi không? Lãi ai ăn? thực dân Pháp nó hưởng, thế là nó làm chủ. Dân tộc ta trước làm nô lệ cho thực dân Pháp thì công nhân cũng làm nô lệ cho tư bản Pháp nữa. Như vậy là công nhân chịu 2 tầng nô lệ. Nay nhờ nhân dân, bộ đội kháng chiến anh dũng, đánh đuổi thực dân Pháp, nhà máy hiện nay là của nhân dân, nhân dân giao cho Đảng, Chính phủ, Đảng và Chính phủ lại giao cho công nhân trực tiếp làm chủ.

Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu nhà máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy.

Ngày nay miền Bắc nước ta đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. các cô, các chú có tán thành tiến lên chủ nghĩa xã hội không? Tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có, mà phải làm thế nào cho nó tiến lên, tức là phải lao động, lao động thiết thực. Tất cả mọi người phải lao động, có lao động thì mới có ăn. Không lao động thì không có ăn. Lao động nhiều hửng nhiều, lao động ít, hưởng ít...

Công nhân trong nhà máy lao động chân tay và trí óc đều có lương bổng. Lương bổng theo sức lao động của mình, tuỳ theo mức sản xuất, chất lượng sản xuất. Làm tốt, làm nhiều: hưởng nhiều. Làm xấu, làm ít: hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ăn không.

Bác lấy thí dụ: Nhà máy hơn 1 vạn công nhân, trực tiếp sản xuất có 8.000 người, không trực tiếp sản xuất hơn 2.000 người. Thế là nhiều, không đúng với xã hội chủ nghĩa vì xã hội chủ nghĩa người sản xuất phải thật nhiều, người gián tiếp phải thật ít. Số vải nhà máy dệt ra phải bán, mà bán phải có lãi. Người trực tiếp dệt nhiều chừng nào, lãi nhiều chừng ấy.

Gián tiếp sản xuất cũng cần. Phải có người bàn giấy, tính toán, đánh máy...mới phục vụ cho người trực tiếp sản xuất nhưng nhiều quá có bao nhiêu lãi chén hết. Bây giờ nhà máy số gián tiếp sản xuất còn nhiều quá.

Một điểm nữa là ngày có từ 12 đến 15% công nhân không đi làm. Thế là không tốt. 100 người mà từ 12 đến 15 người bỏ sản xuất thì ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải khắc phục điểm đó.

Thường thường còn một số công nhân, đến 2 giờ mới đổi kíp, nhưng 1 giờ 45 phút hay 1 giờ 40 phút đã nghỉ việc. Như vậy là ăn bớt của Nhà nước, của công nhân, của nhà máy 10 phút, 15 phút. Nếu mỗi người nghỉ trước 6 phút thì 10 người là một tiếng, cứ thế tính cho nhiều người thì ảnh hưởng không tốt đến sản xuất. Như vậy chưa phải là thái độ làm chủ. Các nước anh em người ta làm sức máy phải chạy 100% từ lúc bắt đầu cho máy chạy đến khi khoá máy lại, không có giờ chết. Sản xuất 100% là đưa lại lợi cho Nhà nước 100%. Nhưng ta chạy có 70% thế là 30% máy phải chết. Máy chết như vậy là hại trực tiếp đến nhà máy, đến các cô, các chú. Các cô, các chú phải cố gắng mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.

Một điểm nữa là trong các lớp học sản xuất, tiết kiệm, nhiều nhất là 70% công nhân tham gia, còn 30% là công nhân không tham gia. Công nhân không tham gia không phải chỉ khuyết điểm ở công nhân mà còn khuyết điểm ở chỗ tổ chức hướng dẫn học tập nữa. Khai hội nhiều, học nhiều làm công nhân mệt mỏi là hại sản xuất, cả hai cần phải sửa chữa. Về phía cán bộ, cần tổ chức học tập cho tốt, nhẹ nhàng, có ích. Về phía công nhân cần tham gia, không tham gia là không tiến bộ.

Bác phê bình thêm một điểm nữa: nhà máy đang có hiện tượng tham ô, lãng phí, mà nhất là lãng phí. Như vậy là thiệt cho ai? Thiệt cho công nhân, thiệt cho Nhà nước, thiệt cho nhân dân. Nếu chỉ giám đốc và cán bộ chống tham ô lãng phí, có làm nổi không? phải có công nhân cùng làm, các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô lãng phí thì sẽ hết được.

Một điểm nữa cũng cần nói thêm: khi lao động có tiến bộ ít nhiều, là tốt, nhưng tiến bộ thì phải đề phòng tự mãn, chủ quan: dệt 15 mét vải, thấy làm được 18 mét, 20 mét thì cho là ổn rồi. Mình tiến bộ là tốt, nhưng so các nước bạn thì còn kém xa.

Bác kể hai câu chuyện:

1- Ở Liên Xô khi bắt đầu khôi phục kinh tế, chưa có ai giúp. Ở nhà máy, công nhân vừa làm vừa học. Có một nữ công nhân thấy làm thế này thì hại sức khoẻ, vừa chậm vừa sản xuất được ít, phải làm sao Tổ quốc giàu mạnh, nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội, đời sống công nhân được cải thiện. Sau ít tháng, chị đề nghị tổ chức sắp xếp từ coi 2 máy đến 4 máy lên 6 máy, sau coi cả vòng máy và lúc đó chị được bầu là anh hùng. Tên chị là Vi-nô-tơ-ra-cô-va. Kinh nghiệm này phổ biến khắp nhà máy Dệt Liên Xô.

2- Ở Trung Quốc có nữ công nhân 18 tuổi cũng học kinh nghiệm nước bạn áp dụng cho hợp hoàn cảnh mình, hôm sau mức tăng lên. Kinh nghiệm được truyền khắp các nhà máy, số vải tăng hàng triệu thước. Tên chị là Hách Kiến Tú.

Các nước bạn như Liên Xô có Vi-nô-tơ-ra-cô-va. Trung Quốc có Hách Kiến Tú, phụ nữ ta có làm được không? Ta có Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ. Nước bạn làm được, ta cũng làm được. Phải cố gắng cho nước ta có có nhiều Vi-nô-tơ-ra-cô-va và Hách Kiến Tú.

Đối với cán bộ:

Đây không nói riêng gì giám đốc, mà nói chung cán bộ đều tích cực, cố gắng, nhưng cũng có khuyết điểm.

- Một là không gần gũi anh chị em công nhân. Thế là quan liêu.

- Thấy nhà máy có thành tích thì chủ quan, tự mãn, không nhận rõ thành tích là của chung, cán bộ có góp một phần, nhưng công nhân nhiều hơn.

- Anh chị em công nhân phê bình góp ý kiến, cán bộ tiếp thu khó khăn, miễn cưỡng.

- Trong cán bộ phê bình và tự phê bình cũng kém.

Cán bộ với công nhân, công nhân với công nhân, phê bình và tự phê bình cũng kém

Đảng Lao động Việt Nam sở dĩ trưởng thành là nhờ có sự phê bình và tự phê bình. Phê bình và tự phê bình là một cách giúp nhau tiến bộ. Không phê bình và tự phê bình là không tiến bộ, không dân chủ.

- Có cất nhắc cán bộ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên.

Bây giờ sang nhiệm vụ chung của Đảng, Chính phủ và của nhân dân, cán bộ, của tất cả chúng ta là cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1957. Trong kế hoạch có nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải...nhưng ở đây là nói thiết thực, trách nhiệm của giai cấp công nhân phải làm gì?

- Các cô, các chú muốn hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước thì phải: tăng năng suất, tăng chất lượng, đồng thời phải hạ giá thành. Tóm lại, phải làm mau, làm tốt, làm rẻ, làm nhiều. Dệt vải ít mà tốt không đủ cho nhân dân dùng, nhà máy ít lãi; làm tốt rồi lại phải nhiều, nhưng nếu giá thành cao, nhân dân ít tiền mua thì được ít lãi, nên phải rẻ, làm rẻ nhưng xấu thì được ít lâu thì không có ích. Nên phải đảm bảo cả 4 điểm trên.

- Muốn thực hành 4 điểm trên phải tiết kiệm, tiết kiệm thì giờ, nguyên vật liệu, máy móc. Phải nâng cao kỷ luật lao động. Tình trạng làm thì làm, không muốn làm thì thôi, nghỉ ốm, không ốm cũng báo ốm để nghỉ, đều là thiếu kỷ luật lao động. Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua; nhà máy không có kỷ luật lao động, không phải là nhà máy tốt. Kỷ luật lao động không phải Bác đưa ra hay ở đâu đưa đến, mà chính là các cô, các chú bàn bạc, thông qua, tự giác thi hành. Thông qua rồi, ai không theo không được.

- Lại phải có chế độ trách nhiệm: giữ cho máy bền, cho sạch, phải lau chùi, không để máy chết. Tinh thần người chủ phụ trách việc gì phải làm cho tốt, cho đẹp việc ấy.

Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ: Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng. Công nhân sản xuất nhiều vải, cố gắng nhiều, hưởng được nhiều: làm khoán tốt thích hợp và công bằng dưởi chế độ ta hiện nay. Nếu người công nhân nào thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỷ luật lao động thì làm cho mau nhưng không tốt; như vậy là không tốt; như vậy là không đúng, và làm khoán phải nâng cao số lượng, nhưng luôn luôn phải giữ chất lượng.

- Cán bộ công nhân phải đoàn kết. Điều đó rất cần. Ta làm cách mạng tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, lúc ấy nhân dân và bộ đội ta lực lượng còn yếu, không súng, không tiền mà đánh thắng cũng là nhờ có đoàn kết. Khó như cách mạng, khó như kháng chiến mà đoàn kết còn thắng lợi, thì làm cho nhà máy tiến bộ có khó bằng cách mạng bằng kháng chiến không? Công nhân già trẻ, nam nữ, Hoa kiều, Bắc Nam đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ, công nhân, cán bộ đoàn kết chịu trách nhiệm trước Đảng, cán bộ tốt, công nhân cũng tốt; cán bộ không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến công nhân.

Cán bộ kỹ thuật và hành chính phải đoàn kết, học hỏi lẫn nhau; cán bộ hành chính không biết kỹ thuật thì không làm tròn nhiệm vụ, không giúp đỡ công nhân được tốt, nhất là dưới chế độ dân chủ, người cán bộ nào cũng phải am hiểu chính trị. Muốn nhà máy tiến bộ, muốn thật là đoàn kết phải dân chủ. Dân chủ là dân chủ chân chính, xây dựng thật thà phê bình. Công nhân có quyền phê bình cán bộ, phê bình lẫn nhau. Thật thà phê bình là dân chủ chân chính, chứ không phải dân chủ quá trớn.

Ở nhà máy có hơn 400 đảng viên Đảng Lao động Việt Nam; trên 1 vạn công nhân có 400 đảng viên. Như vậy cũng chưa nhiều, nhưng cũng không ít. Nếu những đảng viên làm tròn trách nhiệm của mình thì giúp cho sự tiến bộ của nhà máy rất nhiều.

Nhà máy cũng có 400 đoàn viên thanh niên lao động, cũng còn ít. Nếu những đoàn viên thanh niên lao động làm tròn nhiệm vụ, cộng với 400 đảng viên tức 800 người thì giúp ích rất nhiều cho tiến bộ của nhà máy.

Nhà máy có một số bộ đội phục viên. Lúc kháng chiến, các cô, các chú đi đánh giặc, có truyền thống của quân đội ta là anh dũng xung phong gan dạ, không sợ khổ, sợ khó, khắc phục mọi gian khổ như: Điện Biên Phủ, Hoà Bình và rất nhiều trận khác. Bây giờ các cô, các chú chuyển ngành, song phải giữ truyền thống anh dũng đó, cộng với đảng viên, thanh niên lao động, sẽ giúp cho nhà máy tiến bộ.

Nhà máy lại có một số anh chị em miền Nam là con em của Thành đồng Tổ quốc. Khi ở miền Nam, các cô, các chú không sợ giặc, không sợ gian khổ, bây giờ các cô, các chú phải giữ danh dự Thành đồng Tổ quốc, vì các cô, các chú là một bộ phận của Thành đồng Tổ quốc, phải phát huy truyền thống anh dũng đó trong sản xuất.

Nhà máy còn có Công đoàn, Công đoàn là trường học tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa xã hội cộng sản, Công đoàn đã giáo dục cho công nhân nam nữ biết quản lý nhà máy của mình. Chúng ta có hơn 7.000 đoàn viên công đoàn. Nếu các cô, các chú làm hết nhiệm vụ sẽ đẩy mạnh đà tiến lên của nhà máy.

Nói tóm lại; đảng viên, đoàn viên Thanh niên lao động, đoàn viên công đoàn, bộ đội phục viên, cán bộ, cán bộ công nhân miền Nam là những chiến sỹ cần phải gương mẫu, cần đẩy mạnh sự tiến bộ của nhà máy, cần làm đầu tàu trong sản xuất, tiết kiệm. Làm được như vậy sẽ hoàn thành tốt vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Chúc các cô, các chú giữ đúng lời hứa và nhờ các cô, các chú chuyển lời Bác hỏi thăm anh chị em bận sản xuất không đến đây được.

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT