image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại
Thời gian qua, tỉnh đã tích cực thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đa dạng các loại; xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, đáp ứng được cơ bản nhu cầu bán buôn, bán lẻ, mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Riêng tại thành phố Nam Định, đến nay đã có 9 siêu thị đang hoạt động, một số siêu thị của các tập đoàn, công ty bán lẻ quy mô lớn như siêu thị GO!, Co.op Mart, Nguyễn Kim Mart, Media Mart, HC...

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, kết cấu hạ tầng thương mại chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu văn minh thương mại và phát triển theo hướng thị trường. Số lượng chợ có xu hướng thu hẹp, một số huyện có mật độ chợ tương đối thưa thớt, chủ yếu là các chợ hạng III, quy mô nhỏ. Số chợ hạng I, II ít, tập trung chủ yếu ở thành phố Nam Định và các thị trấn lớn, các chợ chậm được nâng cấp lên hạng. Nhiều chợ tại khu vực nông thôn hiện đã xuống cấp, không bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, do sức mua bình quân đầu người của tỉnh Nam Định còn tương đối thấp so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, cùng với xu hướng thay đổi về hành vi tiêu dùng sang các loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử, dẫn đến việc mở rộng mạng lưới chợ giai đoạn 2011-2020 gặp nhiều khó khăn. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư theo hướng xã hội hoá vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế, nhất là ở nông thôn, do lộ trình thu hồi vốn lâu. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

anh tin bai

Người dân mua sắm tại Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy).

Để góp phần hình thành kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân trong tình hình mới, tỉnh xác định phát triển hạ tầng thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phương án phát triển hạ tầng thương mại được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở duy trì, nâng cấp các công trình thương mại, dịch vụ đã có, nhất là nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh dự kiến phát triển, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại như: Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tỉnh hướng đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa, dán nhãn công trình thương mại xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. 100% hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên công nghệ số hóa, hạ tầng thương mại khu vực nông thôn phát triển với các loại hình thương mại hiện đại chiếm đa số.

Tỉnh cũng chủ động bố trí quỹ đất đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại nhằm đảm bảo nhu cầu hiện tại, phù hợp với sự gia tăng của các dự án đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động của các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong tương lai. Phương án bố trí quỹ đất thương mại, dịch vụ đến năm 2030 của tỉnh là 898ha, chiếm 0,54% diện tích tự nhiên, thực tăng 605ha so với năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng các khu thương mại, dịch vụ như: Khu thương mại, dịch vụ 2 bên Quốc lộ 38B, thành phố Nam Định; khu thương mại dịch vụ ven đường trên địa bàn huyện Mỹ Lộc; khu thương mại dịch vụ ven đường Lê Đức Thọ trên địa bàn huyện Nam Trực; Quy hoạch đất thương mại dịch vụ ven đường dẫn cầu Tân Phong (Quy hoạch thành phố) - xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực… Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại, xây dựng đa dạng mô hình kinh doanh thương mại tại các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa, các khu dân cư và các trục giao thông chính. Phát triển các dịch vụ phụ trợ cho thương mại như bảo quản, lưu kho, sắp xếp và phân loại hàng hóa có khối lượng lớn, bốc dỡ và phân phối lại đối với hàng hóa có khối lượng nhỏ, dịch vụ giao hàng, dịch vụ bảo quản, kho bãi tại các trung tâm bán buôn, chợ đầu mối, trung tâm mua sắm. Tỉnh xác định, đến năm 2030: Phát triển thêm ít nhất 6 trung tâm thương mại ở khu vực thành phố Nam Định và các huyện trong tỉnh, quy mô tối thiểu khoảng 1-3ha; phát triển thêm 26 siêu thị tại các khu vực thị trấn, thị tứ các huyện và thành phố Nam Định. Phát triển thêm 3 chợ đầu mối phân phối nông, thủy hải sản có diện tích đất từ 2-3ha; 25 chợ hạng III; nâng tổng số chợ của tỉnh lên 220 chợ (gồm 195 chợ hạng III, 18 chợ hạng II, 4 chợ hạng I và 3 chợ đầu mối). Trong đó, xây mới 3 chợ đầu mối, nâng cấp cải tạo 2 chợ hạng I, 4 chợ hạng II và xây dựng mới 25 chợ hạng III. Quy hoạch 4 trung tâm thương mại tổng hợp, logistics đầu mối tại thành phố Nam Định (quy mô khoảng 100ha) và khu vực các cực tăng trưởng (Nghĩa Hưng, Cao Bồ, Giao Thuỷ) có diện tích từ 10-20ha. Căn cứ thực tế phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu phát triển 3 vị trí trung tâm logistics tại các khu vực: Xã Nghĩa Sơn, xã Nghĩa Bình (khu vực cụm cảng Thịnh Long từ cầu Thịnh Long đến cống Thanh Hương) huyện Nghĩa Hưng; khu vực đô thị Rạng Đông (Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, cảng tổng hợp gắn với nhà máy thép và Khu kinh tế Ninh Cơ); khu vực kênh nối Đáy - Ninh Cơ và hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển khu vực huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch Trung tâm hội chợ triển lãm có diện tích đất từ 5-10ha tại thành phố Nam Định. Phát triển thêm 4 kho xăng dầu, trong đó 1 kho quy mô trên 5.000m3 có diện tích đất từ 5-10ha, 3 kho quy mô dưới 5.000m3 có diện tích đất 1-3ha; 1 tổng kho LPG quy mô trên 1.000m3 có diện tích đất từ 3-5ha và 4 kho trạm nạp LPG dưới 1.000m3.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả phương án quy hoạch, tỉnh tiếp tục định hướng đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; ưu tiên thu hút các tập đoàn phân phối lớn đầu tư cơ sở kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng điều kiện hợp tác, liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để đưa hàng hóa ra thị trường. Trước tiên, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách của Trung ương nhằm thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, nhất là đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại và hiện đại hóa mạng lưới chợ vùng nông thôn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại khi các cơ chế, chính sách hiện nay chưa có tính đột phá để thu hút đầu tư hỗ trợ cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn nói chung, đặc biệt là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới như hạ tầng logistics, chợ đầu mối. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện đấu thầu lựa chọn đối với tất cả các dự án đầu tư thương mại dịch vụ có sử dụng đất tạo sự công khai, minh bạch trong việc chấp thuận các dự án đầu tư. Đặc biệt, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát cũng như thực hiện nhanh chóng các thủ tục cần thiết trong quá trình nghiên cứu, đầu tư dự án xây dựng hạ tầng thương mại.

Với tinh thần chủ động, tích cực thu hút, thúc đẩy đầu tư, hồi cuối tháng 10-2023, Công ty TNHH AEON Việt Nam (thuộc Tập đoàn AEON, Nhật Bản) đã ký biên bản ghi nhớ Hợp tác với UBND tỉnh về phát triển dự án Trung tâm Thương mại AEON Nam Định tại địa bàn thành phố Nam Định. Tại buổi lễ ký kết, ông Hagino Tatsuya - Giám đốc Cao cấp khối Phát triển dự án và xây dựng Công ty TNHH AEON Việt Nam đã lý giải về quyết định lựa chọn đầu tư tại Nam Định: “Trong quá trình tìm hiểu đầu tư, AEON Việt Nam nhận thấy Nam Định nằm ở vị thế trung tâm phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, có khả năng kết nối nhanh, rộng đến nhiều địa phương trong vùng. Nam Định đang có tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh và có số dân tiềm năng. Đây là các điều kiện đem lại nhiều giá trị thành công đối với phát triển dự án Trung tâm Thương mại AEON Nam Định”.

Lựa chọn của Tập đoàn AEON và các nhà đầu tư có uy tín, vị thế toàn cầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng thương mại cùng với việc chủ động phương án, nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hứa hẹn Nam Định sẽ đạt kết quả cao trong phát triển kết cấu hạ tầng thương mại./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT