image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tôi được gặp Bác nhiều lần

Đầu năm 1961, tôi được Đoàn thanh niên nhà máy Liên hợp Dệt cử đi dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba. Đó là một vinh dự lớn đối với tôi, một cô gái nông dân mới vào làm thợ vài năm. Trong Đại hội này, điều vinh dự và phấn khởi nhất với tôi là được gặp Bác Hồ. Khi Bác tới mọi người vỗ tay như sấm dậy. Bác giơ cả 2 tay ra hiệu cho mọi người im lặng nhưng phải một lúc khá lâu mới giữ được trật tự. Nhưng khi Bác phát biểu với Đại hội thì mọi người đều im phăng phắc. Bác nói:

- Tới dự đại hội Đoàn, Bác rất phấn khởi. Vì Đoàn ta đã trưởng thành, lớn mạnh không ngừng. Từ chỗ cả nước có một đoàn viên Lý Tự Trọng thì ngày nay đã có hàng vạn đoàn viên thanh niên ưu tú, là chỗ dựa, là cánh tay đắc lực của Đảng. Vì lẽ đó mà tới dự đại hội với các cháu lòng Bác cũng vui như mùa xuân.

Bác còn căn dặn;

- Là đoàn viên thanh niên lao động, các cháu phải khiêm tốn học tập, cần kiệm đầu tàu gương mẫu để lôi kéo mọi người.

Lúc giải lao ra ngoài hành lang, Bác chỉ vào tôi nói tiếng nước ngoài với các đoàn đại biểu thanh niên quốc tế. Tiếc rằng tôi không biết tiếng nước ngoài nên không hiểu gì. Nhưng đại thể nghe các anh nói lại là Bác giới thiệu tôi là công nhân ngành dệt, có thành tích xuất sắc, được cử đi dự đại hội.

Sau đó, Bác cho chúng tôi chụp ảnh chung với Bác. Xong Đại hội, Bác còn tổ chức gặp gỡ đại biểu các đoàn thanh niên quốc tế. Tôi cũng được chọn là một trong những đoàn viên tiêu biểu trong đoàn Việt Nam đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Lãnh đạo đoàn của ta là đồng chí Nguyễn Lam và đồng chí Vũ Quang. Do xe bị hỏng nên chúng tôi đến trễ giờ. Khi vào phòng khách, thấy Bác, chúng tôi đều reo lên: "Chúng cháu chào Bác ạ!...cháu chào Bác ạ!..." rồi ồ chạy đến gần.

Khi đã ổn định trật tự. Bác hỏi thân mật nhưng cũng có ý phê bình:

- Các cháu là "người nhà" sao lại đến muộn?

Đồng chí Nguyễn Lam nói:

- Thưa Bác vì xe chở đoàn bị hỏng giữa đường.

Bác cười:

- Lần sau có đến, đi sớm mươi phút "trừ hao" là vừa!

Mọi người cùng cười, Bác còn điểm danh từng người. Đến tên ai, người ấy đứng dậy "Dạ, thưa Bác cháu có mặt" thì Bác lại thưởng cho mấy chiếc kẹo.

Đến năm 1962, tôi lại vinh dự được gặp Bác ở Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm ấy, tôi 24 tuổi, được bầu là chiến sĩ thi đua ngành dệt. Tôi được ngồi trên ghế Đoàn chủ tịch cùng với Bác. Sau khi tôi đọc báo cáo về thành tích của mình, được đại hội vỗ tay hoan nghênh, Bác vời tôi lại, rồi đứng lên "thơm" váo trán tôi. Tự nhiên tôi thấy mình bé bỏng như ngày còn thơ được mẹ trìu mến hôn lên đầu, lên má sau mỗi bận đi xa về. Đời tôi chưa bao giờ dám mơ ước được đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc, càng không dám mơ ước được gặp Bác, chứ chưa dám nói được Bác "thơm".

Trong đại hội, tôi được tuyên dương là Anh hùng lao động. Tất cả các anh hùng được tuyên dương trong đại hội này được Bác cho gọi đến Phủ Chủ tịch vào một buổi sáng đẹp trời. Cùng đi với tôi hôm ấy, có các anh hùng Phạm Thị Vách, Nguyễn Thị Hiếu...Chị Vách là anh hùng thuỷ lợi. Còn tôi là công nhân, lại ở thành phố Dệt, nên các anh hùng trong ban tổ chức bảo tôi mặc áo dài cho có vẻ duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Không ngờ, Bác hỏi vui;

- Các cháu vào nhà máy cũng mặc áo dài thế này à?

Tôi lúng túng thưa:

- Thưa Bác, hôm nay là ngày hội, chúng cháu lại đến thăm Bác...

Bác cười vui vẻ:

- Vậy thì được...

Sau khi Bác căn dặn chúng tôi phải khiêm tốn học tập lao động...không những học tập ở nước nhà mà còn phải học tập ở các nước tiên tiến, anh em...

Hỏi chuyện xong, Bác lại dẫn chúng tôi ra chụp ảnh.

Đến hội nghị tổng kết phong trào "3 cao điểm" năm 1963, tôi được đọc báo cáo. Ngồi trên ghế đoàn chủ tịch, bất chợt Bác hỏi tôi:

- Theo cháu thì nhà cao hơn núi hay núi cao hơn nhà?

Tôi vô cùng lúng túng-Nghĩ ngợi một lúc, tôi chợt nhớ câu ca dao thời chống Pháp:

"Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần tiếp vận còn cao hơn đèo..." tôi mạnh dạn thưa:

- Thưa Bác, theo cháu thì nhà cao hơn núi.

Bác cười gật đầu. Vì tôi nghĩ dù núi có cao đến mấy nếu ta làm nhà trên đỉnh núi thì nhà vẫn cao hơn.

Ở hội nghị tổng kết phong trào thi đua "3 cao điểm" của thanh niên lần này, Bác đề nghị đổi là "3 điểm cao" cho dễ hiểu và "Việt Nam" hơn.

Từ năm 1964, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ mở hội nghị chính trị đặc biệt (ta vẫn gọi là hội nghị "Diên Hồng"), phát động phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai", tôi lại được đi dự và ngồi ở ghế đoàn chủ tịch. Cho đến nay, đã qua 26 năm, tôi vẫn giữ được giấy mời này ghi đích danh "Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc". Trước khi vào hội nghị, ban tổ chức họp riêng với chúng tôi - những người được giới thiệu vào danh sách Đoàn chủ tịch. Lúc vào hội ý thì chưa thấy Bác. Bỗng có người đi từ đằng sau tới, vỗ nhẹ vào đầu tôi và anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Chúng tôi quay lại, thấy Bác, thì tất cả đứng dậy reo lên:

"Chào Bác ạ! Chào Bác ạ...".

Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Bác ân cần hỏi tôi.

- Hiện nay ở nhà máy Dệt, chất lượng sản phẩm đạt bao nhiêu loại tốt?

Tôi đứng dậy cứ lắp bắp:

- Dạ thưa Bác...Dạ thưa Bác...tôi cứ "Dạ thưa Bác..." đến mấy lần mà chưa dám trả lời chính xác với Bác có bao nhiêu phần trăm là tốt. Thấy tôi lúng túng, Bác mỉm cười độ lượng.

- Thôi cháu ngồi xuống.

Trong hôi nghị này, tôi được thay mặt các đại biểu đọc quyết tâm thư gửi lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch...Vì đã xem đi xem lại nhiều lần, gần như học thuộc nên tôi đọc rất trôi chảy. Đọc xong cả hội trường vỗ tay. Một đồng chí cán bộ cao cấp ngồi trên ghế đoàn chủ tịch hỏi:

- Các đồng chí đại biểu có ý kiến gì bổ sung vào bản quyết tâm thư không?

Không ai có ý kiến gì. Bác ngồi trên ghế đoàn chủ tịch giơ tay xin phát biểu. Bác nói:

- Nội dung trong bản quyết tâm thư, Bác đồng ý cả. Nhưng câu đầu ghi: Kính gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch thì Bác đề nghị sửa là "Kính gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ" các đồng chí có đồng ý không? cả hội trường đồng thanh: "Đồng ý ạ', "Đồng ý ạ" và tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt. Lúc giải lao, tôi và chị Phạm Thị Vách cứ tha thẩn ra ngoài hành lang ngắm những chậu hoa đẹp. Bác vời chúng tôi và trao cho mỗi chị em một bó hoa thật đẹp mà các đoàn vừa tặng Bác.

Từ năm 1964, tôi là đại biểu Quốc hội khoá III, nên năm nào cũng được gặp Bác ở trong kỳ họp. Nhưng sâu sắc nhất là lần gặp Bác ở đại hội Đảng bộ tỉnh. Ngày ấy, đại hội ngay trong hội trường nhà máy Liên hợp Dệt. Bác nghỉ tại nhà giao tế (tức là nhà bảo tàng Liên hợp dệt bây giờ). Buổi trưa hôm ấy bác cho gọi các đồng chí Lê Thành, Phan Điền và một số đại biểu, trong đó có tôi, vào gặp Bác. Bác vẫn ung dung trong bộ quần áo lụa màu nâu, chân đi dép cao su. Cùng tiếp khách với Bác có đồng chí Lê Đức Thọ và một số đồng chí lãnh đạo khác. Mấy anh em chúng tôi chỉ dám ngồi ở phía cuối hội trường. Thấy vậy, Bác vời chúng tôi lên ngồi ngay bên cạnh Bác. Lần này tôi có dịp được Bác hỏi chuyện nhiều. Trưa hôm ấy được ngồi ăn cơm cạnh Bác. Tôi để ý ngoài những món ăn riêng, hình như đi từ nhà (Hà Nội). Những món ăn riêng ấy chỉ vẻn vẹn một nắm cơm, một bát canh rau ngót, một đĩa muối ớt (muối ớt đựng trong một chiếc lọ con như lọ thuốc). Nhìn những món ăn riêng của Bác quá đạm bạc mà tôi cứ nghẹn ngào. Bác hỏi tôi:

- Quê cháu ở đâu?

- Thưa Bác, cháu quê ở Phú Thọ.

- Bố mẹ cháu làm nghề gì?

- Thưa bác, bố mẹ cháu làm ruộng.

- Cháu có bao nhiêu anh em!

- Thưa Bác, cháu có 3 anh em, anh cả cháu dạy học, anh thứ hai đi bộ đội.

- Tại sao cháu làm ở nhà máy Dệt?

Sau khi nghe tôi trình bày: Quê tôi chỉ có nghề quay sợi, dệt vải, ươm tơ...Nay nghe nói có nhà máy liên hợp Dệt, từ bông làm thành vải thì rất lạ và mơ ước được làm thợ.

Bác lại hỏi:

- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

- Thưa Bác cháu 25.

- Cháu đã xây dựng gia đình chưa?

- Thưa Bác, cháu chưa xây dựng gia đình.

Bác cười hỏi lại:

- Tại sao cháu đã 25 tuổi mà chưa lấy chồng.

Tôi thưa Bác là muốn có nhiều thời gian để cống hiến, đền đáp lại công ơn của Đảng, của Bác.

Bác lại cười:

- Cháu nghĩ như thế là phải. Nhưng 25 tuổi thì cũng lấy chồng được rồi. Có gia đình nhưng biết sắp xếp công việc thì vẫn làm tốt được công việc chung. Rồi Bác kể chuyện về một cháu gái thanh niên xung phong đã có bốn năm con mà vẫn công tác tốt.

Bác lại hỏi tôi:

- Cháu định bao giờ thì lấy chồng?

- Thưa Bác, cháu định vài năm nữa...

Bác cười và xua tay:

- Không nên! Không nên!...

Hôm ấy, được ăn cơm với Bác, tôi chú ý thấy bác chỉ chủ yếu ăn những món ăn đã chuẩn bị ở "nhà'. Nghĩa là chỉ có cơm nắm, canh rau ngót và muối ớt. Còn những thức ăn ngon của đại hội như thịt, cá, Bác thường xẻ làm đôi, gắp cho tôi một nửa, chị Thu một nửa (chị Thu hồi ấy là Trưởng ty y tế Nam Định). Với chị Thu, Bác thường chỉ "cho" phần ít và nói vui: "Cô béo ăn ít thôi. Còn Thạc nó gầy cho nó ăn nhiều". Không khí bữa ăn đầm ấm như cảnh sum họp gia đình.

Cuối bữa, Bác còn gắp cho mấy con-giống như con nhộng tằm ở trong lọ chia cho chúng tôi. Bác hỏi:

- Các cháu có biết cái gì đây không?

Tôi nhanh nhảu trả lời:

- Thưa Bác, con nhộng.

Bác cười "không phải, thuốc bổ của các đồng chí Quảng Đông tặng Bác đấy".

Chúng tôi không định ăn lấy phần mang về. Nhưng Bác bảo: "Có ít, các cháu cứ ăn đi! Lấy phần mang về, chị em họ tỵ đấy".

Năm ấy Bác đã 75 tuổi rồi. Ngắm mái tóc bạc phơ và khi nhìn Bác ăn cơm đã có vẻ khó khăn, tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra...

Bác lại hỏi:

- Mỗi bữa cháu ăn được mấy bát cơm?

- Thưa Bác, thường ngày đi làm về cháu ăn được 4 bát...

- Sao hôm nay cháu ăn ít thế?

- Thưa Bác, Bác đã già rồi, lại lo toan công việc cả nước, còn chăm sóc chúng cháu quá chu đáo nên cháu cảm động không ăn được.

Tôi lại mạnh dạn hỏi Bác:

- Thưa bác, mỗi bữa Bác ăn được mấy bát?

- Mỗi bữa bác ăn hai bát. Khi nào ngon miệng thì ăn được ba.

Ngồi ăn cơm với Bác mà tôi nghẹn ngào không nuốt được. Những thức ăn ngon Bác gắp cho hầu như vẫn còn nguyên.

Buổi tối hôm ấy, Bác lại cho gọi chúng tôi vào nhà giao tế liên hoan, có cả chị Nguyễn Thị Bình, vợ chồng anh Lê Thành, vợ chồng anh Phan Điền...Bác bảo ai cũng phải hát cho bác nghe. Chúng tôi thật tình chả ai hát hay, nhưng đều vui vẻ hát. Vợ chồng anh Lê Thành, vợ chồng anh Phan Điền đều hát "song ca" nhưng đều bị "gẫy". Bác cười rồi cắt đôi chiếc bánh "gatô" đưa cho mỗi người một nửa. Đến lượt tôi. Tôi vụt nhớ đến bài "Đảng đã cho ta một mùa xuân..." thế là tôi hát luôn. Nhưng cũng chỉ nửa chừng thì "quên". Tuy vậy, Bác vẫn cho cả chiếc bánh. Rồi tất cả Bác cháu kéo sang nhà tôn (hội trường Liên hợp Dệt) xem đội văn nghệ nhà máy biểu diễn. Kết thúc buổi liên hoan Bác lên sân khấu chia bánh kẹo và thuốc lá cho diễn viên. Hầu hết bọn con gái chúng tôi chỉ lấy kẹo.

Ngày Bác mất, tôi lại là một trong 4 anh hùng được ban tổ chức lễ tang cho đứng tức trực bên lĩnh cữu Bác 15 phút. các anh trong Ban tổ chức dặn phải cố nén lòng, bấm ngón tay cái vào ngón tay trỏ thật đau để nhớ rằng không được khóc, không được nhìn vào Bác, mà phải nhìn thẳng xuống cuối hội trường Ba Đình. Vì còn có nhiều đoàn đến viếng. Qua 15 phút, tôi chạy nhào ra, bật khóc nức nở.

Hàng tháng trời, ngày nào nhớ đến bác, nhìn ảnh Bác là tôi lại khóc. (Vì tôi có nhiều tấm ảnh chụp chung với Bác). Có một kỷ niệm nữa là: Ngày tôi xây dựng gia đình, cách đây đã hơn 20 năm. Biết Bác bận nhiều việc nên tôi không dám báo cáo với Bác. Nhưng sau này anh Kha Vạng Cân (nguyên Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ) nói lại. Bác có gọi điện sang hỏi:

- Cháu Thạc lấy chồng rồi phải không? Tổ chức cưới theo đời sống mới hay đời sống cũ, Bác còn dặn: Phải sắp xếp nhà ở cho nó chu đáo.

Kể từ lần đầu gặp Bác tới nay đã gần 30 năm. Tôi vẫn nhớ như in những lời chỉ bảo ân cần của Bác. Chồng tôi là bộ đội về hưu, tôi có hai cháu, mỗi cháu cách nhau 10 tuổi, thực hiện đúng lời Bác dạy. Hiện nay, trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cứ nhớ đến Bác, nhớ đến sự chăm sóc, dạy bảo ân cần của Bác Hồ là tôi lại tự nhủ mình phải xứng đáng với lời dạy của Người.

Báo Hà Nam Ninh số 1476 ngày 18-5-1990

                                                                                         (Ghi theo lời kể của Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc – công nhân nhà máy Dệt)

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT