image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tình hình an ninh năng lượng tại Châu Âu

Cuộc xung đột Nga - Ukraine là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt, giá điện và giá dầu, cùng giá lương thực đã tăng mạnh tại châu Âu kể từ đầu năm 2022. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng đang “đè nặng” lên nền kinh tế các nước châu Âu.

Sau khi EU cùng các đồng minh phương Tây do Mỹ đứng đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga do cuộc xung đột quân sự tại Ukraine từ cuối tháng 02/2022, giá năng lượng, nhất là khí đốt liên tục leo thang đã khiến chi phí của doanh nghiệp và người dân tại châu Âu không ngừng gia tăng. Rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ. Giá năng lượng hiện cũng là vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Nguồn cung khí đốt bị cắt giảm cộng thêm lo ngại về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu đã đẩy giá năng lượng xanh tăng mạnh chưa từng có. Ngày 05/9/2022, giá khí đốt của châu Âu đã tăng vọt sau khi Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom, ngày 02/9/2022 thông báo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn. Ngoài ra, đợt nắng nóng trên khắp châu Âu vào mùa hè vừa qua đã làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại khu vực này.

Khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe dọa lớn đối với khu vực này khi mùa Đông đang tới gần có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ năng lượng tại châu Âu. Giới phân tích thế giới dự đoán, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu cao kéo theo lạm phát làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh các quốc gia tại khu vực này. Theo báo cáo về Chỉ số bất ổn xã hội do Công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) công bố ngày 02/9/2022 cho thấy, hơn 50% trong số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã chứng kiến sự gia tăng về nguy cơ bất ổn xã hội trong khoảng thời gian từ quý II đến quý III năm 2022. Đặc biệt, các quốc gia châu Âu như Thụy Sĩ và Hà Lan nằm trong số những nước có nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội cao nhất trong giai đoạn tới. Từ khoảng vài tuần qua, tại Anh đã xuất hiện phong trào không trả hóa đơn năng lượng (Don’t pay UK), một phong trào “bất tuân dân sự” nhằm phản đối việc giá năng lượng sẽ tăng quá cao trong thời gian tới.

Nhằm phòng ngừa khủng hoảng năng lượng biến chứng nguy hiểm, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai hàng loạt biện pháp như việc tổ chức lại mô hình cùng mua chung khí đốt giống như khi cùng mua chung vaccine Covid-19, hoặc yêu cầu các quốc gia thành viên tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt lên đến 15% trong mùa Đông, tìm kiếm các hợp đồng năng lượng từ nhiều nước khác… EC cũng tích cực tiếp cận các nguồn cung khác nhằm hướng tới một sự ổn định lâu dài hơn với phương châm “không loại trừ bất cứ lựa chọn nào”, miễn là đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn khối. Gần nhất là tại cuộc họp bất thường hôm 09/9 ở Brussels, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí về bốn giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao. Thứ nhất, nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác. Thứ hai, giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện. Thứ ba, sự can thiệp “tạm thời và khẩn cấp” vào thị trường khí đốt, với “mức giá trần” do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất. Thứ tư, các bộ trưởng đề nghị EC trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU và để giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả các biện pháp trên đều chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Châu Âu vẫn đang đối diện với tình trạng “bi quan” về triển vọng thị trường năng lượng. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã cảnh báo châu Âu có thể đương đầu với khó khăn trong “5 - 10 mùa Đông tới”, trong khi nhiều lĩnh vực ở châu lục hiện đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng cao./.

                             Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT