image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Tỉnh Nam Định tập trung phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, kiểu mẫu như lời dạy của Bác

 

Đồng chí Phạm Gia Túc

Ủy viên BCH Trung ương Đảng,  Bí thư Tỉnh ủy

Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, là đầu mối trung chuyển và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy của vùng; trong phạm vi tác động lan tỏa của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 1.700 km2, bờ biển dài 72 km, dân số khoảng 2,0 triệu người; có 10 đơn vị hành chính (gồm 09 huyện và thành phố Nam Định) với 226 xã, phường, thị trấn, trong đó thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, được định hướng phát triển là đô thị trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Đây là vùng đất văn hiến với lịch sử phát triển lâu đời, nơi hội tụ của truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm; truyền thống lao động cần cù thông minh, sáng tạo; truyền thống đoàn kết nhân ái; truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên… Nam Định tự hào là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích “Vương triều Trần”, Vương triều hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Nơi đây là cái nôi của phong trào công nhân những năm đầu thế kỷ XX, là một trong những địa phương có tổ chức Đảng ra đời sớm nhất; từ phong trào đấu tranh cách mạng, nhiều người con ưu tú của Nam Định trưởng thành và làm rạng danh cho quê hương đất nước, tiêu biểu là đồng chí Trường Chinh - 3 lần làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Sinh thời, với tình cảm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược về Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm và gửi thư động viên, thăm hỏi, biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, Nhân dân Nam Định đã đạt được. Vào ngày 21/5/1963, cách đây vừa tròn 60 năm, Bác đã về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V và nói chuyện với trên 5 vạn cán bộ, Nhân dân trong tỉnh. Cũng trong lần về thăm này, Người đặt niềm tin vào nỗ lực của cán bộ và Nhân dân trong tỉnh, Người đặc biệt nhấn mạnh: “Xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc”.

Lời dạy của Người luôn được lưu truyền qua các thế hệ và là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Nam Định qua các thời kỳ. Phát huy truyền thống hào hùng của quê hương và những thành tựu của các thế hệ đi trước đã tạo dựng; Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Nam Định ngày nay đang không ngừng nỗ lực, tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng tỉnh Nam Định trở thành tỉnh giàu mạnh, kiểu mẫu như lời dạy của Bác.

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần quyết tâm và phấn đấu không ngừng, tỉnh Nam Định đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể:

Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và có bước phát triển mới trong từng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá. Tổng sản phẩm GRDP trong những năm gần đây tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, nhất là năm 2022 tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế đã từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản (năm 2022: Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ 80,61%; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 19,39%). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2022: Tổng GRDP (giá hiện hành) đạt gần 92,0 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt gần 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 50,075 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021; tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD,...

Về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, Chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch thực hiện gắn với tình hình thực tế tại địa phương, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, liên tục, lâu dài trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ đạt được những thành tựu nổi bật, làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, hình thành nếp sống mới và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Với thành tích đó, Nam Định vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng; thời gian qua tỉnh Nam Định đã chuyển trọng tâm sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 182/204 (89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Giao Phong, huyện Giao Thủy đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 23 xã, thị trấn đang hoàn thiện tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh đã có 329 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.

Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xúc tiến và thu hút đầu tư: Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi theo hướng đồng bộ, hiện đại góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã cơ bản hình thành hệ thống các công trình hạ tầng có tính chiến lược, lâu dài, là động lực cho sự phát triển của tỉnh như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý; Quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long; Quốc lộ 37B; Quốc lộ 38B; Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận huyện Ý Yên; tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn I); Tỉnh lộ 490C từ thành phố Nam Định - Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng,

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm như: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490); cầu Bến Mới; xây dựng cầu qua sông Đào; xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện đa khoa tỉnh,...với tổng mức đầu từ các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023 - 2025.

           Tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/6/2016 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 974 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 124,5 nghìn tỷ đồng; 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần trên 3,7 tỷ USD; hơn 11.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 105.000 tỷ đồng.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh tăng 7 bậc so với năm 2020; Chỉ số đánh giá về chuyển đổi số xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Về phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội: Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu mới, đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 09/6/2016 về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”. Hệ thống các thiết chế văn hoá ngày càng được đầu tư xây dựng, mở rộng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tỉnh Nam Định có 9 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; nhiều di sản văn hoá vật thể đã được công nhận là di tích quốc gia, đặc biệt Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh, Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, tỉnh Nam Định có 05 hiện vật được công nhận “Bảo vật quốc gia”.

Hoạt động thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, nhất là phong trào thể thao quần chúng. Thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì và đạt được kết quả tốt tại các giải thể thao thành tích cao trong nước và quốc tế. Năm 2022, Nam Định vinh dự là 1 trong 12 tỉnh, thành phố được chọn đăng cai tổ chức môn thi đấu tại Seagame 31; trong đó các trận thi đấu tại bảng B môn bóng đá Nam Seagames 31 tại Sân vận động Thiên Trường được tổ chức rất thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất, con người Nam Định đối với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Lĩnh vực giáo dục của tỉnh giữ vững thành tích gần 03 thập kỷ thuộc tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao, trong 8 năm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, có 6 năm tỉnh Nam Định đứng thứ nhất, 02 năm đứng thứ nhì toàn quốc về điểm trung bình các môn thi. Hệ thống trường học các cấp đã cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học phổ thông đều cao hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được đầu tư nâng cấp với trang bị thiết bị y tế hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 249 cơ sở y tế công lập (23 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn). Thực hiện tốt việc tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu giữa các tuyến y tế từ Trung ương đến tỉnh, huyện; đến nay, đã có 04 bệnh viện chuyên khoa của tỉnh là bệnh viện vệ tinh của các Bệnh viện chuyên khoa Trung ương. Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát vững chắc. Tỉnh Nam Định được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.

Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội chuyển biến tích cực, đến hết năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 1,32%.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng lên; bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả. Chú trọng thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền, an ninh vùng biên giới biển được giữ vững.

Kết quả trên là những thành tựu rất đáng tự hào, là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân Nam Định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Thời gian tới, tỉnh Nam Định xác định mục tiêu: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để tiếp tục xây dựng Nam Định trở thành tỉnh phát triển toàn diện, ổn định, bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh khá, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng; là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Nam Định đang quyết tâm đổi mới, vươn lên, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm  quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch; tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tập trung triển khai thực hiện tốt các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Hồng; Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040,...

Thực hiện tốt việc khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực và hình thức đầu tư. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình trọng điểm, động lực, có tính chiến lược lâu dài, góp phần thúc đẩy xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó tập trung hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm. Chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội để phục vụ nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung phát triển, tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng… và một số ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với không gian công nghiệp của cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng, các tuyến hành lang, vành đai kinh tế và các vùng kinh tế trọng điểm.

Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng đa dạng, văn minh, hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo ổn định và lành mạnh hoá thị trường.

Thứ tư, tập trung xây dựng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định trước năm 2025 theo Quy hoạch được phê duyệt. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như: Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Trần, chùa Phổ Minh… Hoàn thành một số dự án, công trình có tính điểm nhấn về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển. Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng vùng kinh tế biển. Xây dựng, hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ là trung tâm giao thương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; Khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang.... Xây dựng, phát triển các đô thị ven biển như: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông... theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng...

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi để xúc tiến và thu hút đầu tư. Xây dựng và phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ sáu, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị; Kết luận số 75-KL/TU ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/6/2016 về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Đảm bảo tốt công tác y tế, khám chữa bệnh cho Nhân dân và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Thứ bảy, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả các loại tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai và khoáng sản cát. Nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Thứ tám, củng cố vững chắc quốc phòng, chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển của tỉnh; tiếp tục quán triệt thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định là dịp để chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời cũng hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những phẩm chất cao đẹp, ý chí kiên cường của Người chiến sỹ cộng sản mà cả cuộc đời mình đã dành cho đất nước, cho Nhân dân. Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân Nam Định nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng phát triển, góp phần cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tin khác
1 2 3 4 
image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT