image bannerimage banner
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hai bảo vật quốc gia trên quê hương Nam Định

Theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia, trong 37 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 2, tỉnh Nam Định có 2 hiện vật, gồm: Bộ chân đèn và lư hương gốm men (thời Mạc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định); Tượng Phật A Di Đà thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên).

Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc được sản xuất bằng chất liệu gốm men thời Mạc Mậu Hợp (1590). Trong đó, chân đèn có đường kính mặt 17cm, đường kính đế 21,2cm, cao 76cm, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn, nhỏ, cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh, đầu hướng xuống dưới. Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học, kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng. Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc với nội dung “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo” (có nghĩa là chế tạo ngày 20-8 năm Hưng Trị 3). Phần thân đèn sát chân đế được nghệ nhân thời Mạc tạo ra một băng cánh sen vuông đầu, trang trí nổi hoa văn. Lư hương gốm men có đường kính mặt 20cm, đường kính đế 20cm, cao 40,4cm; gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng, loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong ra ngoài. Trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học. Phần đế giống chiếc hồ lô, trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe, tô son nâu. Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, điểm gây nhiều chú ý cho giới khảo cổ khi tìm ra bảo vật này là trên chân lư hương còn khắc chìm một minh văn với mật độ chữ Hán dày đặc, lên tới 27 dòng cho biết nguồn gốc của chiếc lư hương là do ông Đỗ Xuân Vi ở xã Bát Tràng chế tạo vào ngày 20-8 năm Hưng Trị 3 (1590) và tên các tín đồ dâng cúng lư hương vào chùa. Nét độc đáo của 258 chữ Hán ghi dày đặc trên đế lư hương phản ánh nhiều thông tin về tên người, các địa điểm, địa danh lịch sử hành chính của Nam Định thế kỷ 16.

Tượng Phật A Di Đà bằng đá đang được thờ tại chùa Ngô Xá, thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên). Cuối năm 1966, đầu năm 1967, Bảo tàng Nam Định phối hợp Viện Khảo cổ tiến hành khai quật, khảo cổ trên đỉnh núi Chương Sơn trong phạm vi diện tích 900m2. Kết quả đã tìm ra chân móng tháp cổ cùng hơn 200 di vật bằng đá và 50 viên gạch đất nung. Dấu tích của tượng Phật thời Lý lần đầu tiên hé lộ vào khoảng những năm 1980 khi tìm thấy tấm bia cổ “Tái tạo Sơn Chương tự bia ký”. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục đào bới, tìm kiếm dưới lòng đất và bắt đầu chú ý tới các hiện vật trong chùa, nhất là các tượng Phật đang được thờ tại chùa Ngô Xá. Bức màn bí mật về pho tượng quý này bắt đầu hé lộ khi một nhà khảo cổ tình cờ gõ tay vào một bức tượng Phật và thấy phát ra âm thanh trầm đục như gõ vào đá, chứ không bồm bộp như khi gõ vào các tượng gỗ. Sau khi bóc hết lớp sơn son, thếp vàng trên thân tượng, cuối cùng lộ ra một pho tượng bằng đá xám mịn, được điêu khắc rất tinh xảo, hình thức còn khá nguyên vẹn. Tượng Phật bằng đá tại chùa Ngô Xá có chất liệu là đá khối màu xám xanh (đá cát). Tổng thể bệ và thân tượng cao 2m. Trong đó, phần tượng cao 0,92m, hai đầu gối khuỳnh rộng 0,72m, phần bệ cao 1,08m, bệ sen có đường kính 0,76m. Tượng có khuôn mặt và dáng hình nam giới, ngồi trong tư thế thiền định, hai chân xếp bằng, đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước. Tóc xoắn ốc, giữa đỉnh đầu có một khối u nổi (nhục khấu). Đầu tượng và thân tượng ghép với nhau bằng mộng (có thể tháo rời). Mình tượng thon thả, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp. Thân tượng liền khối với cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Bệ tượng có phần trên là đài sen dùng để đặt tượng hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế. Dưới đài sen là chân bệ hình bát giác, chóp cụt, gồm 2  bộ phận ghép với nhau. Nửa trên phần sát với cổ bệ chạm nổi một bông sen 2 lớp cánh lật úp, tiếp đến là các tầng bát giác giật tam cấp, cứ một mặt to xen một mặt nhỏ, mặt đứng chạm đôi rồng đuổi, mặt nằm chạm hoa cúc dây hình sin; nửa dưới có đế bằng, thân tạo 2 tầng, chạm nổi hoa văn sóng nước. Qua những di vật trên cho thấy di tích trên núi Phương Nhi chính là các công trình kiến trúc thời Lý được xây dựng hướng về trung tâm là Bảo tháp Chương Sơn tạo nên một quần thể kiến trúc liên hoàn, thêm một minh chứng về vùng đất “địa linh” trong lịch sử cần được tiếp tục nghiên cứu, khám phá. Năm 2012, Bộ VH, TT và DL đã có quyết định xếp hạng cụm di tích đình, chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích khảo cổ Bảo tháp Chương Sơn là Di tích cấp quốc gia./.

Trung tâm TTCTTG

image banner

Bản quyền thuộc Ban Tuyên giáo tỉnh Nam Định
Địa chỉ : số 55 Vị Hoàng, Tp. Nam Định
Điện thoại: 0228.3837481

Cơ quan chịu trách nhiệm chính: Ban tuyên giáo Tỉnh Nam Định
Tên miền: http://tuyengiaonamdinh.vn
Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông số 25/GP-STTTT